Tại sao bạn giải tỏa được stress bằng cách viết nhật ký?
Viết nhật ký giúp tâm hồn thoải mái, giảm stress, phát triển vốn từ vựng, tác động tích cực tới trí thông minh.
Đào Khánh Linh (Hà Nội) từ khi còn học cấp 2 đã có thói quen viết nhật ký vào mỗi tối. Nhiều trang viết của Linh ghi về mối tình vụng dại thời áo trắng, có trang chỉ là những câu chuyện thường nhật, cảm xúc bên gia đình, bạn bè. Lên đại học, Linh không viết nhật ký ra giấy mà chuyển sang viết online, blog hoặc Facebook. Dòng trạng thái là những cảm xúc hay mâu thuẫn, bực dọc xảy ra trong cuộc sống không biết giải quyết, cô đều viết ra và để chế độ riêng tư.
Theo Linh: “Viết ra được điều thầm kín giúp nhẹ lòng hơn, giải tỏa stress, bản thân có thể bình tâm lại để xem xét sự việc thấu đáo và tìm cách giải quyết”.
Viết nhật kí mỗi ngày giúp giải tỏa tâm trạng và phát triển trí thông minh.
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hương Lan, viết những điều thầm kín là một thói quen lành mạnh và nhiều lợi ích. Thế nhưng, không phải ai cũng biết và duy trì. Tâm lý con người nhiều lúc cảm thấy xáo trộn, không rõ mình đang muốn gì hoặc cần phải làm gì. Nhật ký là cách giản đơn giúp bạn tìm được một người đồng hành, lắng nghe không điều kiện. Khi viết, con người nhanh chóng tiếp cận thế giới nội tâm của mình, hiểu được thế giới nội tâm, từ đó có những cách cải thiện tâm trạng tốt lên.
“Viết về những bực tức, phiền muộn giúp bạn giải tỏa phần nào những cảm xúc tiêu cực, giảm stress”, chuyên gia Hương Lan cho biết. Khi những cảm xúc được giải tỏa, tâm trạng sẽ nhanh chóng cân bằng.
Khi viết, trí não kích thích khả năng tìm kiếm các từ mới và làm tăng vốn từ vựng. Điều này có mối tương quan tích cực với trí thông minh. Dần dần, khả năng diễn đạt sẽ trở thành bản năng. Các kỹ năng về thể hiện cảm xúc, thấu hiểu cảm xúc từ người khác cũng được phát triển. Hơn nữa, mỗi ngày dành khoảng 20-30 phút viết nhật ký là một thói quen rèn luyện tính tự giác. Thói quen này có xu hướng lây lan, tạo thành những sinh hoạt lành mạnh như giữ phòng ốc sạch sẽ, gọn gàng.
Khoa học đã chứng minh phần não trái của con người dùng để phân tích lý lẽ, còn não phải hoàn toàn tự do sáng tạo và cảm nhận. Quá trình viết sẽ truy cập vào vùng não trái, loại bỏ những rào cản trong tinh thần và giúp tâm hồn thư thái. Đôi khi, hoạt động này kích hoạt đến cả não phải, giúp bạn tìm ra những giải pháp bất ngờ cho các vấn đề đang gặp phải.
Nhà tâm lý học và nghiên cứu James Pennebaker thuộc Đại học Texas, Mỹ, khẳng định viết ra những điều thầm kín thường xuyên sẽ giúp tăng cường các tế bào miễn dịch, được gọi là T-lymphocyte. Thói quen này còn làm giảm các triệu chứng bệnh hen suyễn và viêm thấp khớp.
Cách viết nhật ký hiệu quả:
- Duy trì thực hiện 20 phút mỗi ngày.
- Viết thật nhanh, để mặc cho dòng suy nghĩ tuôn trào không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc nào.
- Viết hoặc vẽ lại những điều mình đã trải qua. Có thể liệt kê những thứ đã làm trong ngày hoặc cảm xúc của bạn.
- Viết trên giấy sẽ sáng tạo hơn gõ chữ trên máy tính. Khi cầm bút viết, chúng ta tập trung cao độ hơn và đắm chìm vào thế giới riêng.
- Tích lũy hình ảnh, thư từ vào nhật ký.