Tại sao bạn nên ngủ nhiều hơn: Nghiên cứu mới tìm ra một lý do quan trọng

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một đêm ngon giấc có liên quan đến việc giảm cảm giác cô đơn với thời gian ngủ khuyến nghị cho người lớn là từ bảy đến chín giờ.

Cô đơn là cảm giác mà hầu như ai cũng đã từng trải qua, đối với một số người, cảm giác này hiện diện thường xuyên hơn.

Trong một cuộc thăm dò của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ được thực hiện vào năm 2024, cứ 3 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người cho biết họ cảm thấy cô đơn ít nhất một lần trong một tuần.

Theo Huffpost, một nghiên cứu mới cho thấy chúng ta có thể "làm dịu cảm giác trên" bằng một cách đáng ngạc nhiên.


Sức khỏe giấc ngủ được đo bằng cách đánh giá mức độ đều đặn của giấc ngủ, sự hài lòng, thời gian, thời lượng, hiệu quả và sự tỉnh táo trong ngày. (Nguồn: Pexels).

Một nghiên cứu được công bố vào tháng Sáu đã phân tích mối quan hệ giữa sức khỏe giấc ngủ và sự cô đơn ở 2.297 người trưởng thành ở Mỹ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một đêm ngon giấc có liên quan đến việc giảm cảm giác cô đơn. (Thời gian ngủ khuyến nghị cho người lớn là từ bảy đến chín giờ).

Mỗi người tham gia nghiên cứu điền vào bảng câu hỏi về giấc ngủ và được đánh giá theo một thang đo mức độ cô đơn, bao gồm cả sự cô đơn về mặt cảm xúc và xã hội.

“Sự cô đơn về mặt cảm xúc” được định nghĩa trong nghiên cứu là việc thiếu đi một mối quan hệ thân mật, chẳng hạn như mối quan hệ với một người bạn đời.

“Cô đơn xã hội” được định nghĩa là thiếu một mạng lưới xã hội rộng lớn hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng có mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa một giấc ngủ ngon và mức độ cô đơn thấp hơn - đặc biệt là sự cô đơn về mặt cảm xúc - đối với người trẻ tuổi. Tuy nhiên, nghiên cứu không chắc chắn về lý do gây ra mối liên hệ này.

Sức khỏe giấc ngủ được đo bằng cách đánh giá mức độ đều đặn của giấc ngủ, sự hài lòng, thời gian, thời lượng, hiệu quả và sự tỉnh táo trong ngày.

Nhưng cũng cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn tại sao mối quan hệ giữa giấc ngủ và sự cô đơn lại chặt chẽ hơn ở những người trẻ tuổi.

Nicole Moshfegh, nhà tâm lý học lâm sàng về giấc ngủ tại một phòng khám tư nhân ở Los Angeles (Mỹ), nói với HuffPost: “Tôi muốn thấy nhiều nghiên cứu hơn để củng cố phát hiện đó, bởi vì có một số nghiên cứu trái ngược nhau trong quá khứ đã chỉ ra rằng tuổi tác không liên quan gì đến mối tương quan này”.

Tại sao cảm giác cô đơn có thể liên quan đến cách chúng ta ngủ?

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy sự cô đơn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của một người, trong khi những nghiên cứu khác cho thấy giấc ngủ kém có thể dẫn đến cảm giác cô đơn. Moshfegh nói: “Tôi coi đó là mối quan hệ hai chiều vào thời điểm này".

Yishan Xu, nhà tâm lý học lâm sàng tại California, cho biết mặc dù một giấc ngủ kém chất lượng có thể không phải là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về cảm xúc, nhưng đôi khi nó có thể là một yếu tố khiến cảm xúc tồi tệ hơn.


Một giấc ngủ kém chất lượng có thể không phải là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về cảm xúc, nhưng đôi khi nó có thể là một yếu tố khiến cảm xúc tồi tệ hơn. (Nguồn: Pexels)

Cả hai nhà tâm lý học về giấc ngủ đã nói chuyện với HuffPost đều trích dẫn một số lý do tại sao giấc ngủ chất lượng kém có thể góp phần gây ra cảm giác cô đơn ở một người.

Đầu tiên, một người có thể ít quan tâm đến việc tương tác với người khác và rút lui khỏi các tương tác xã hội nếu họ không được nghỉ ngơi đầy đủ, Xu nói.

Trên hết, khi chúng ta không ngủ đủ giấc để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, “chúng ta có thể thấy các vấn đề về tâm trạng và lo lắng gia tăng”, Moshfegh cho biết.

“Chúng ta có thể cảm thấy bất lực hơn, có ý thức về giá trị bản thân hoặc lòng tự trọng thấp hơn, sau đó chúng ta có thể bắt đầu cảm thấy mình cô đơn và bị cô lập”.

Xu giải thích một người có thể cáu kỉnh hơn hoặc ít đồng cảm hơn và diễn giải những gì người khác làm hoặc nói với họ qua lăng kính tiêu cực. Họ có cảm giác như thể người khác không hiểu hoặc không thích họ.

Một lý do cho điều này là bộ não củng cố những suy nghĩ và ký ức của bạn trong ngày trong khi ngủ. Ví dụ, trong giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh, não xử lý những ký ức cảm xúc mà nó ghi lại khi bạn thức, Xu nói.


Trong khi ngủ, não bộ cần trải qua 4 giai đoạn khác nhau. (Nguồn: Pexels)

Trong khi ngủ, não bộ cần trải qua 4 giai đoạn khác nhau. Một trong những giai đoạn này chính là giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (hay còn gọi là giấc ngủ REM-Rapid Eye Movement).

Trong giai đoạn ngủ này, mắt sẽ không tự kiểm soát mà chủ động di chuyển qua lại theo nhiều hướng khác nhau. Thông thường, mọi người sẽ bước vào giấc ngủ REM sau 90 phút chìm vào giấc ngủ. Đây chính là lúc mà não lọc lại toàn bộ những ghi nhớ trong ngày, do đó, các hình ảnh kỳ lạ cũng xuất hiện, chúng kết hợp tạo thành những giấc mơ.

Nếu một người liên tục bị gián đoạn trong giai đoạn giấc ngủ mắt chuyển động nhanh này, não của họ sẽ không có đủ thời gian để thực hiện quá trình xử lý này và điều này có thể khiến người đó dễ gặp vấn đề về tâm trạng khi thức.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất