Tại sao cây cối lại bị “héo rũ xuống” khi thiếu nước?
Khi bị thiếu nước, chúng ta sẽ cảm thấy khát và mệt mỏi. Trong khi đó ở thực vật, đặc biệt là các loài cây thân thảo, lại bị héo rũ xuống. Nguyên do của sự khác biệt này là ở đâu?
Cũng giống như mọi loại sinh vật khác, nước là một yếu tố hết sức quan trọng đối với cây cối. Tuy nhiên, điều khác biệt là khi bị thiếu nước, các loài thực vật, nhất là thực vật thân thảo, lại bị héo rũ xuống. Hiện tượng này hoàn toàn không xảy ra ở người và động vật, trong cùng tình trạng. Thực chất, sự khác nhau này xuất phát từ cấu tạo của thực vật và cả cách chúng sử dụng nguồn nước mà mình hấp thụ được!
Nước là một yếu tố hết sức quan trọng đối với cây cối.
Đối với nhóm cây thân thảo, ngoài việc tham gia vào các chu trình của sự sống, nước còn đóng vai trò tạo ra áp suất, còn được gọi là sức trương, bên trong mỗi tế bào, điều này giúp cây đứng thẳng và duy trì hình dáng của nó. Tuy nhiên, cũng giống như hiện tượng đổ mồ hôi ở động vật, cây cũng sẽ liên tục mất đi lượng nước, mà chúng hấp thụ, thông qua các lỗ có kích thước hiển vi trên mặt lá gọi là “khí khổng”. Quá trình này được gọi là “Sự thoát hơi nước”.
Khí khổng của thực vật.
Trên thực tế, sự thoát hơi nước là hết sức cần thiết cho cây cối, bởi nó là một bước trong phản ứng quang hợp của thực vật. Ngoài ra, quá trình này còn tạo ra một mạch di chuyển liên tục của nước. Từ đó, giúp mang các chất dinh dưỡng mà rễ hấp thụ được đến cơ quan ở vị trí cao hơn. Thực tế, lượng nước thất thoát theo con đường này là rất lớn. Theo ước tính của các nhà khoa học, để tạo ra một kg chất khô, thực vật phải thoát đến khoảng 200kg-1000kg hơi nước.
Sự di chuyển của nước trong cây xanh.
Vào chuỗi ngày nắng hạn, chính sự thoát hơi nước sẽ khiến lượng nước hấp thụ được ít hơn lượng nước mất đi. Hệ quả là các tế bào sẽ không còn đủ nước để duy trì sức trương của mình và teo lại. Đây cũng chính là nguyên nhân mà chúng ta thấy lá của cây thân gỗ và cành, lá, thân của cây thân thảo héo rũ xuống, khi bị thiếu nước.
Chính sự thoát hơi nước sẽ khiến lượng nước hấp thụ được ít hơn lượng nước mất đi.
Ở góc độ khoa học, hiện tượng héo ở thực vật cũng chính là một cơ chế thích nghi với hạn hán của chúng. Cụ thể, khi cây bị héo rũ xuống, diện tích tiếp xúc của chúng với ánh nắng được giảm đi đáng kể. Từ đó, giúp hạn chế tác động nhiệt từ mặt trời, vốn là nguyên nhân khiến tình hình trở nên xấu đi.
Đối với hầu hết các loại cây, nếu thời gian héo chưa lâu và tình trạng héo vẫn chưa ở mức trầm trọng, sau khi được cung cấp đủ nước, chúng sẽ căng mẩy và xanh tốt lại một cách hết sức nhanh chóng.