Tại sao chúng ta vẫn giữ thói quen "ờ" hay "ừm" vô thức trong giao tiếp?
Những từ không có ý nghĩa cụ thể như "ờ" hay "ờm" thực chất là một tiền tố giúp kéo dài thời gian để não bộ kịp có thời gian suy nghĩ những danh từ và đại từ tiếp theo trong giao tiếp.
Thỉnh thoảng, chúng ta sẽ nghe thấy những từ như "ờ", "ờm" xuất hiện trong văn nói hàng ngày. Trên thực tế những từ này không hề có nghĩa mà chỉ là dấu hiệu cho thấy người nói đang suy nghĩ, ngập ngừng vì điều gì đó hoặc đồng ý và xác nhận một thông tin.
Sự xuất hiện chủ yếu của danh từ trong giao tiếp là thứ khiến chúng ta buộc phải nói các từ "ờ" hay "ờm".
Tuy nhiên đứng dưới góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy, sự xuất hiện chủ yếu của danh từ trong giao tiếp là thứ khiến chúng ta buộc phải nói các từ "ờ" hay "ờm". Đó là kết luận của nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Amsterdam, Hà Lan và Đại học Zurich, Thụy Sỹ.
Ngôn ngữ của con người thực sự không hề hoàn hảo. Mặc dù thực sự ngôn ngữ có tính kết nối rất cao. Một người có thể giao tiếp bằng một ngôn ngữ theo nhiều cách khác nhau mà người kia vẫn ngầm hiểu được ý từ câu nói đó. Nhưng đôi khi, chúng ta vẫn đột nhiên nói chậm lại và ngập ngừng không vì một lý do gì cụ thể.
Theo Technology, các nhà khoa học đã phân tích các mẫu ngôn ngữ tự phát từ các khu vực khác nhau trên thế giới, bao gồm ở rừng nhiệt đới Amazon, Siberia, dãy Himalaya và sa mạc Kalahari và cả tiếng Anh, tiếng Hà Lan. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu xem phản ứng giảm tốc độ trong lời nói khi phát âm các từ ờ, ờm trước danh từ và động từ như thế nào.
Sự khác biệt giữa các ngôn ngữ không được tính đến vì đã được nghiên cứu từ lâu. Do đó, các nhà khoa học chỉ tiến hành đo tốc độ phát âm trong mỗi giây.
Kết quả cho thấy, các từ "ờ" và "ờm" hay xuất hiện nhiều hơn trước một danh từ. Điều này cũng có nghĩa, não bộ mất nhiều thời gian để xử lý các danh từ hơn là động từ. Nhóm nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân có thể do danh từ trong lời nói thường đại diện cho thông tin mới.
Việc chúng ta vẫn giữ thói quen và "ờ" hay "ờm" trong lời nói thực chất là một phản ứng tự nhiên của não bộ.
Nếu không tìm thấy một danh từ phù hợp, não bộ sẽ bỏ qua hoặc chuyển sang sử dụng đại từ nhân xưng như "Tôi, anh, cô ấy" để tiếp tục câu nói. Trong khi đó, gần như hai từ "ờ và ờm" hiếm khi xuất hiện trước một động từ.
Như vậy có thể hiểu, việc chúng ta vẫn giữ thói quen và "ờ" hay "ờm" trong lời nói thực chất là một phản ứng tự nhiên của não bộ nhằm kéo dài thời gian xử lý các danh từ hoặc đại từ trong câu nói tiếp theo.
Theo các nhà khoa học, kết quả này sẽ giúp định hình cho các nghiên cứu liên quan đến thần kinh học trong tương lai. Cụ thể, chúng ta có thể đánh giá giá trị thông tin của từ được sử dụng trong cuộc hội thoại, đồng thời tìm hiểu cách não xử lý ngôn ngữ.
Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng sẽ giúp bổ sung thêm sự hiểu biết của con người về sự tiến hóa của ngôn ngữ. Bởi lẽ nếu não bộ phải mất nhiều thời gian hơn chỉ để xử lý danh từ, điều đó cũng đồng nghĩa, danh từ đã mất một quá trình lâu dài, khó khăn và phức tạp hơn để hình thành như ngày nay.