Tại sao cổ nhân Trung Hoa đặt châu báu vào miệng người đã khuất?
Người Trung Quốc xưa có tập tục đặt đồ vật vào miệng người đã mất. Vì sao họ lại làm như vậy?
Cổ nhân Trung Hoa rất coi trọng việc đưa tiễn một người về thế giới bên kia. Cho dù hoàn cảnh giàu nghèo khác nhau, các nghi thức tang lễ cơ bản vẫn phải diễn ra sao cho trọn vẹn. Trong đó họ từng duy trì một tập tục hết sức đặc biệt đó là đặt một vật nào đó vào miệng người quá cố. Thực chất đằng sau phong tục này ẩn chứa những ý nghĩa nhất định:
-Thứ nhất, người xưa quan niệm sau khi qua đời ai cũng xuống địa phủ. Việc đặt đồ vật vào miệng sẽ khiến họ biết cách giữ im lặng để không kể quá nhiều về trần gian.
-Thứ hai, không ai muốn người thân của mình ra đi trong tình trạng đói khát. Vì thế họ đặt đồ vào trong miệng nhằm tượng trưng cho sự no đủ, phú quý để người chết có thể an tâm đi về thế giới bên kia. Có quan niệm còn cho rằng, những vật báu đặt trong miệng có thể sẽ trở thành "lộ phí" giúp con đường đi tới hoàng tuyền của các linh hồn được suôn sẻ hơn.
-Thứ ba người xưa cho rằng làm như vậy là để thỏa mãn tâm nguyện của người quá cố. Theo các tài liệu sử học, Càn Long Hoàng đế sau khi qua đời được đặt trong miệng một miếng ngọc bội tạc hình ve sầu. Có lý giải cho rằng miếng ngọc bội này là ẩn dụ cho hình ảnh ve sầu thoát xác, phá kén, thể hiện cho khát vọng hồi sinh.
Việc đặt vật gì vào trong miệng không được quy định chi tiết. Đó có thể là một viên ngọc bình thường hoặc các loại giá trị hơn như ngọc bích, viên trân châu hay chỉ đơn giản là vỏ ốc, nắm cơm, ngũ cốc,… tùy thuộc vào điều kiện từng gia đình.
Riêng tập tục đặt các vật phẩm quý giá như vàng bạc châu báu vào miệng người chết còn được sử liệu ghi lại với tên gọi "khẩu hàm".
Trong sách Chu Lễ (tài liệu cổ thời Chu ghi lại chế độ quan tước và phong tục) có nhắc đến "đại tang công phạn ngọc hoặc hàm ngọc". Nghĩa là trong đám tang cần lấy cơm tương trưng cho ngọc hoặc đưa ngọc thật vào miệng người đã khuất.
Còn Thuyết Văn Giải Tự (một dạng từ điển thời nhà Hán) thì giải nghĩa "khẩu hàm" chính là "đưa ngọc vào miệng người chết để tiễn đưa họ".
Với thường dân, điều kiện kinh tế không quá khá giả, họ có thể chỉ cần đặt vào đó tiền đồng. Những gia đình dư dả hơn sẽ dùng các miếng ngọc được tạo tác thành nhiều hình dạng khác nhau. Người Trung Quốc xưa quan niệm việc ngậm ngọc trong miệng có thể tránh cho thi thể người chết bị mục nát, thối rữa.
Ảnh minh họa.
Vào thời Hán, người dân chuộng ngọc được tạo tác thành hình ve sầu. Tới thời Đường – Tống, tập tục nói trên dần trở nên cầu kỳ, câu nệ hơn khi các loại vàng, bạc, ngọc phỉ thúy được ưa chuộng và sử dụng phổ biến.
Thời xưa, tầng lớp coi trọng các nghi lễ hơn cả chính là hoàng tộc. Trong số đó, tang lễ của Từ Hi Thái hậu vào thời nhà Thanh được biết đến là một trong những đại tang xa xỉ, tốn kém bậc nhất.
Là người phụ nữ quyền lực lại nổi tiếng với lối sống vương giả, đương nhiên Từ Hy Thái Hậu được chuẩn bị hậu sự rất xa hoa. Xét về phong tục, bà cũng chỉ làm theo tục lệ thông thường nhưng chắc chắn là người được ngậm báu vật giá trị nhất lịch sử.
Đó là viên dạ minh châu có khối lượng khoảng 787.28 carat (hơn 157 gram). Vào năm 1908, nó được định giá là 10,8 triệu lượng bạc (khoảng 2.900 tỷ đồng). Theo một số khảo cứu thì viên ngọc này có thể chính là viên Kim cương của Đại đế Mogul lừng danh. Nhưng sau đó vương triều này sụp đổ và loại đá quý này cũng bị thất lạc. Vào năm 1760, vua Càn Long cho quân đàn áp các cuộc nổi loạn ở biên giới nên viên dạ minh châu được cho là đã du nhập vào Đại Thanh vào thời điểm đó. Sau này, nó được cống nạp đến tay Từ Hy Thái hậu.
Trong các ghi chép xưa thì viên dạ minh châu có thể phát sáng đến mức nhìn thấy cả tóc người vào ban đêm trong phạm vi 100 bước. Ngoài ra, báu vật này còn có tác dụng chống khuẩn cao. Có thể vì điều này mà thi hài của Từ Hy vẫn tươi tắn, hồng hào dù đã được chôn cất nhiều năm.
Lúc sinh thời Từ Hy Thái hậu được biết đến với sở thích sưu tầm châu báu, tiêu pha phung phí. Vì vậy, viên dạ minh châu ngàn tỷ đặt trong miệng cùng với vô số châu báu bên trong quan tài còn được cho là nhằm mục đích thỏa mãn lòng tham vinh hoa phú quý của vị Lão Phật gia.
Vào năm 1928, Tôn Điện Anh cùng nhóm người tiến vào Định Đông Lăng (khu vực chôn cất những quý tộc nhà Thanh ở phía Đông) để khai quật và cướp bóc những gì quý giá trong lăng mộ Từ Hy Thái Hậu. Viên dạ minh châu cũng biến mất không rõ tung tích từ đó.