Tại sao đu quay lại chóng mặt và chiếc gimbal của cuộc đời bạn
Sâu bên trong ống tai mà mắt thường không thể nhìn thấy được, có 3 ống hình bán khuyên đóng vai trò như 3 trục của chiếc gimbal cho cuộc đời bạn.
Bạn còn nhớ cái cảm giác hồi nhỏ khi mới bước ra khỏi vòng đu quay chứ? Bạn sẽ loạng choạng như muốn ngã vì chóng mặt. Ngay cả khi đã đứng im và ngừng chuyển động, nhìn ra xung quanh bạn vẫn thấy trời đất cảnh vật quay cuồng.
Tại sao lại vậy nhỉ?
Tại sao đu quay lại chóng mặt và chiếc gimbal của cuộc đời bạn.
Bất kể bạn sử dụng phương pháp nào để quay vòng tròn, chạy xung quanh trò chơi cướp cờ, xoay tròn trên ghế ở văn phòng hay nắm tay bạn gái để xoay tròn chụp ảnh, cơ thể cũng sẽ phản ứng theo cách tương tự khi bạn chơi đu quay hồi còn bé.
Khi quay vòng nhanh, mắt bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều thông tin khác nhau trong một khoảng thời gian rất ngắn. Quá nhiều thông tin được tiếp nhận có thể làm bạn mất phương hướng và chóng mặt ư?
Không hẳn. Cơ thể bạn luôn có một cơ chế chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi đột ngột, và nó sẽ cố gắng hết sức để giữ cho trường thị giác trông bình thường nhất có thể.
Cứ tưởng tượng mà xem, nếu cơ thể không có cách nào để giữ mắt bạn trên một cái gimbal, có lẽ mỗi lần ngoái cổ lại là một lần bạn bị chóng mặt mất. Cuối cùng, thật khó có thể sống trong thế giới này nếu mắt bạn không có chế độ "chống rung".
Nhưng bất ngờ là, cơ chế chống rung của mắt không liên quan gì đến mắt. Thay vào đó, chiếc gimbal của cuộc đời bạn lại nằm trong tai.
3 ống bán khuyên giống như những trục gimbal của cuộc đời bạn.
Sâu bên trong ống tai mà mắt thường của bạn không thể nhìn thấy được, có 3 ống hình bán khuyên đóng vai trò như 3 trục của chiếc gimbal máy ảnh.
Chúng nằm chếch nhau các góc 90 độ. Lớp lót trong mỗi ống bán khuyên này đều có rất nhiều sợi lông nhỏ. Ngoài ra, chúng còn chứa 2 lớp dịch lỏng sền sệt. Các nhà khoa học gọi đó là dịch trong và dịch ngoài (endolymph và cupula).
Khi bạn di chuyển vòng tròn hoặc gây ra những rung động lớn lên cơ thể, những chất lỏng này chảy vào bên trong ống tai. Dòng chảy đó tác động vào những sợi lông mỏng manh, khiến chúng lay động qua lại.
Và chính những chuyển động của những sợi lông là chìa khoá vấn đề.
Tai tiếp nhận tín hiệu chỉ hướng mà các sợi lông đang di chuyển, và sử dụng các tế bào thần kinh để gửi tín hiệu đến não kèm theo tất cả các thông tin đó. Não bộ sẽ sử dụng tín hiệu lay động của các sợi lông để bù trừ khi nó tái tạo hình ảnh thị giác.
Về cơ bản, quá trình bù trừ này giống với thuật toán được sử dụng trong camera chống rung điện tử. Cho nên, trong hầu hết các trường hợp, dù bạn có chuyển động mạnh đến cỡ nào đi chăng nữa, thế giới mà mắt bạn nhìn thấy vẫn rất ổn định và mượt mà.
Chỉ trong trường hợp quay tròn là khác. Lẽ ra, khi bạn đang quay tròn và dừng lại, chất lỏng trong ống bán khuyên cũng phải dừng lại theo, giữ cho các sợi lông không lay động và tắt cơ chế chống rung của não.
Nhưng bạn biết đấy, trên đời còn có quán tính. Trong quá trình bạn quay tròn với tốc độ ngày càng nhanh, chất lỏng trong ống bán khuyên cũng nhận được gia tốc lớn.
Vấn đề xảy ra khi bạn dừng lại. Cơ bắp của bạn có thể phản ứng nhanh chóng mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. Nhưng chất lỏng trong ống bán khuyên không thể phản hồi nhanh như vậy.
Nhảy xuống là bạn sẽ chóng mặt đấy.
Mặc dù bạn đã dừng vòng quay lại, chất lỏng vẫn di chuyển. Phải mất một thời gian để chúng trung hoà quán tính sau đó mới dừng lại hẳn được. Trong khoảng thời gian này, chất lỏng trong ống bán khuyên vẫn di chuyển, những sợi lông vẫn tiếp tục lung lay và gửi tín hiệu đến não.
Bộ não nhận được tín hiệu đó nhưng đồng thời biết cơ thể đã hoàn toàn dừng lại. Kết quả, bạn sẽ phải trải qua cái cảm giác chóng mặt như muốn ngã. May mắn thay, cảm giác này chỉ kéo dài trong chốc lát. Hãy đợi cho chất lỏng trong ống bán khuyên lắng lại là được.
Xét cho cùng, chiếc gimbal của cuộc đời bạn có lẽ vẫn cần một bản update firmware mới.