Tại sao không nên rửa chảo nóng dưới vòi nước lạnh?
Đừng bao giờ đặt một chiếc chảo hay nồi, xoong còn đang nóng vào bồn rửa và xả nước lạnh nếu bạn không muốn chúng bị cong vênh và nứt vỡ.
Nếu đã từng nấu ăn và rửa bát đĩa, hẳn là không ít người nhận ra một điều rằng xả nước lạnh vào chảo còn nóng sẽ có sự tác động về nhiệt khiến các mảng bám cháy ở đáy chảo dễ dàng cọ sạch hơn, thậm chí không cần dùng dầu mỡ hay mạnh tay cọ.
Nhưng các chuyên gia dụng cụ nhà bếp khuyên chúng ta không nên làm như vậy, bởi sẽ khiến tuổi thọ của chảo bị rút ngắn hơn.
"Hãy tưởng tượng bạn thư giãn trong bồn nước nóng và ngay lập tức bước sang bồn nước lạnh. Cơ thể sẽ thấy 'sốc nhiệt' và không hề dễ chịu. Chảo rán hay tất cả các loại xoong nồi trong bếp cũng thế", một đại diện của hãng Calphalon cho biết.
Lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra là luôn để chảo nguội tự nhiên ở nhiệt độ phòng trước khi rửa sạch bằng nước ấm - (Ảnh: iStock).
Nếu một chiếc chảo còn nóng được đặt dưới nước lạnh thì tình trạng sốc nhiệt đột ngột có thể khiến chảo bị cong vênh và nứt. Khi chảo cong vênh, phần đáy sẽ trở nên không bằng phẳng đều nhau và các chị em nội trợ sẽ không thể đặt nó trên bếp được nữa.
Ngoài vấn đề cong vênh, bề mặt đáy chảo cũng sẽ xuất hiện "các điểm nóng và lạnh", sự truyền nhiệt không đều khiến thức ăn nấu không ngon, không chín đều.
"Đặc tính của kim loại là giãn nở khi được nung nóng và co lại khi được làm lạnh. Điều này ít được quan sát bằng mắt thường nhưng không có nghĩa là nó không xảy ra. Tất cả các dụng cụ nhà bếp bằng kim loại đều có đặc tính này và nó nên được các chị em nội trợ lưu ý khi nấu ăn", Philicia Frasson, giám đốc sản phẩm của hãng All-Clad, cho biết.
Lời khuyên mà các chuyên gia đưa ra là luôn để chảo nguội tự nhiên ở nhiệt độ phòng trước khi rửa sạch bằng nước ấm.
Nồi, chảo sẽ trở lại hình dáng tự nhiên ban đầu nếu có thời gian nguội tự nhiên. Đôi khi cũng xuất hiện tình trạng cong vênh ở những dụng cụ mỏng nhưng rồi chúng đều trở về hình dáng cũ khi nó nguội đi. Việc rửa chảo hay nồi nóng bằng nước lạnh sẽ làm hỏng món đồ đó, dù nó được sản xuất bởi hãng nào chăng nữa.
Đối với các dụng cụ nấu nướng bằng thép không gỉ, giám đốc hãng All-Clad khuyên nên để nguội dần trước khi ngâm trong nước rửa bát ấm rồi làm sạch dụng cụ nấu bằng miếng bọt biển mềm. Một lựa chọn khác là đun một chút nước có baking soda và chà xát các mảng thực phẩm cháy bám dính ở đáy bằng thìa gỗ.
Sau khi làm sạch, sử dụng một miếng vải mềm để lau khô dụng cụ nấu rồi cất ở vị trí của nó.
Cách làm này cũng áp dụng được cho các dụng cụ nấu nướng có chống dính. Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng các chất tẩy rửa dùng cho sàn nhà hoặc đồ sứ và các miếng tẩy rửa bằng kim loại để chà xát vì sẽ làm hỏng bề mặt, bong mất lớp chống dính.
Đối với nồi, chảo nấu bằng gang, hãy để chúng nguội hoàn toàn trước khi rửa và không sử dụng xà phòng hay chất tẩy rửa mạnh. Thay vào đó, làm sạch chảo gang bằng bàn chải cứng và nước nóng. Dùng khăn để khô nồi ngay sau khi rửa sạch để tránh bị rỉ sét.
Bên cạnh đó, chị em nội trợ cũng nên lưu ý, không nên đun nóng chảo rỗng quá lâu trên bếp mà không cho thực phẩm hay nước vào.
Một chiếc chảo rỗng, dù chống dính hay không, nếu được đặt trên bếp ở nhiệt độ cao đều có thể nhanh chóng đạt đến nhiệt độ nấu. Nếu thức ăn được đặt vào chảo quá nóng sẽ bị cháy xém mà không chín bên trong. Mảng thực phẩm dính ở đáy chảo khó có thể làm sạch.
Ngoài ra, lớp chống dính sẽ bắt đầu hư hại ở nhiệt độ trên 200 độ C, do đó, cần phải chú ý thêm thức ăn trước khi chảo quá nóng.
Bỏ muối vào nồi nước trước khi đun sôi cũng khiến chảo bị hỏng. Muối hòa tan trong nước ở nhiệt độ cao, vì vậy chỉ nên nêm muối vào sau khi nước đã sôi. Nếu nêm muối vào nước rồi mới đun nóng thì các tinh thể muối không hòa tan sẽ tác động với kim loại và có thể để lại các đốm đen hoặc vết bẩn vĩnh viễn trên đáy chảo.