Tại sao laptop của bạn rất hay bị kiến làm tổ?

Không ít người từng gặp phải tình huống oái oăm này, khi mà các loài côn trùng nghiễm nhiên làm tổ trong các thiết bị điện tử của bạn. Đặc trưng nhất chính là tình trạng kiến chui vào và làm tổ trong máy tính xách tay của người dùng.

Lý do kiến thường làm tổ trong laptop

Dạo qua một vài diễn đàn công nghệ trong và ngoài nước, rất nhiều người than trời vì bị kiến xâm lăng các thiết bị. Không chỉ Laptop, ngay cả màn hình LCD và PC cũng rất thu hút loài kiến.

Thế nhưng thực tế nhiều người không hề để đồ ăn gần nơi làm việc hay đánh rơi vào laptop, nhưng vẫn có hàng ngàn con kiến làm tổ bên trong. Tại sao vậy?

Nguyên nhân là do loài kiến đỏ (Solenopsis invicta). Đây là loài kiến thường làm tổ trong các thiết bị điện tử, loài côn trùng này thường ưa nhiệt độ cao và các loại dây điện. Do có hệ thống tản nhiệt kém hiệu quả, nhiệt độ tỏa ra từ laptop so với các thiết bị như PC hay màn hình là tương đối cao, chính điều này là nguyên nhân loài kiến đỏ thường "dọn nhà" vào trong laptop. Chưa hết, các bảng mạch và ngõ ngách rắc rối trong laptop cũng là điều kiện lí tưởng để kiến xây thành lũy của chúng.


Kiến bị thu hút bởi nhiệt độ mà Laptop tạo ra.

Dĩ nhiên, ngoài việc làm phiền bạn trong quá trình sử dụng, kiến cũng là tác nhân phá hủy máy tính của bạn. Loài kiến đỏ thậm chí có thể ăn cả các dây cao su phía bên trong máy.

Một mối lo khác tới từ những xác kiến tồn đọng trong máy. Loài kiến này dễ bị kích động bởi dòng điện trong các thiết bị công nghệ, khi bị điện giật, hoóc môn được tiết ra và đặt chúng vào trạng thái cảnh báo. Khi đó, các con kiến sẽ "phát điên" và đánh nhau. Đó là lí do tại sao trong máy có nhiều xác kiến như vậy.

Ngoài ra, đất cát và rác mà kiến "tha về tổ" sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thống tản nhiệt của máy, hệ thống này quyết định tới sự sống còn của chíp xử lý. Rất nguy hiểm đúng không?

Nếu bạn băn khoăn về phương án giải quyết vấn đề này, chỉ có 1 cách duy nhất, đó là ngay lập tức mang tới các trung tâm bảo hành và dịch vụ sửa chữa để vệ sinh phía trong máy. Kiểm tra kĩ các linh kiện và dây nối phía trong, thay nếu đã bị hư hỏng.


Xác kiến chết phía trong máy tính xách tay.

Khi kiến đã làm tổ phía bên trong laptop, các biện pháp như lắc máy cho kiến rơi ra, hay tắt quạt tản nhiệt để kiến nóng tự chết hoàn toàn không hiệu quả và gây hại cho các linh kiện phía trong laptop. Phòng luôn tốt hơn chống, để giảm thiểu nguy cơ bị kiến xâm lăng, hãy luôn giữ vệ sinh và lau chùi các thiết bị điện tử cũng như khu vực bạn ngồi làm việc.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất