Tại sao một số loại bông tăm lại 2 đầu tròn, nhọn khác nhau?
Công dụng phổ biến nhất của bông tăm là ngoáy tai. Nhưng tại sao lại có hình dạng kỳ lạ như vậy?
Có lẽ đa phần chúng ta đều sở hữu ít nhất một gói bông tăm trong nhà, để thi thoảng... ngứa tai còn lôi ra ngoáy cho sạch.
Các loại bông tăm thông thường có dạng một thanh nhựa bọc bông tròn ở hai đầu. Tuy nhiên nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng một số loại bông ngoáy tai được làm 2 đầu khác nhau: một đầu tròn và một đầu nhọn. Tại sao lại như vậy?
Tăm bông có một đầu nhọn, một đầu tròn.
Muốn biết câu trả lời, bạn cần hiểu đúng về mục đích sử dụng của bông ngoáy tai thời hiện đại!
Xưa kia, bông tăm ra đời vì một mục đích duy nhất: ngoáy tai, và công dụng ấy vẫn còn phổ biến đến tận ngày hôm nay.
Bông tăm là một công cụ hữu hiệu dùng cho trang điểm.
Tuy nhiên qua thời gian, nó còn có nhiều công dụng hơn như thế, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và làm đẹp. Tăm bông đã chứng minh nó là một công cụ rất hữu hiệu để bôi thuốc vào vết thương, hoặc được dùng để lau các vết nhòe do trang điểm bị lỗi. Người ta thậm chí còn nặn mụn bằng tăm bông nữa.
Và đây cũng là nguyên nhân cho sự ra đời của các loại tăm có đầu nhọn hơn. Hình dạng ấy giúp chúng ta bôi thuốc dễ dàng vào các điểm cần đến sự chính xác cao, tránh lem ra bên ngoài. Còn với đầu tròn, nó sẽ được dùng để thoa thuốc lên các vùng da rộng hơn.
Bông tăm dùng để ngoáy tai, nhưng đó là điều không nên làm
Đây là lời khuyên được rất nhiều chuyên gia y tế đưa ra. Bởi lẽ, tai là một khu vực cực kỳ nhạy cảm, nên việc bạn đưa một vật thể lạ vào tai cũng có thể khiến nó bị tổn thương. Thậm chí nếu bất cẩn, thính giác của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một thống kê của trang Telegraph còn chỉ ra rằng, mỗi năm ở Anh có tới 7.000 người tới bệnh viện do gặp thương tích từ việc ngoáy tai. Con số này nhiều hơn nhiều so với số người bị thương khi cạo râu.
Tai có cơ chế tự làm sạch nên bạn không cần phải ngoái tai đâu.
Thay vì dùng bông ngoáy tai để can thiệp một cách thô bạo, bạn nên để mọi thứ thuận theo tự nhiên, vì tai có cơ chế tự làm sạch.
Cụ thể, ráy tai sẽ từ từ tự thoát ra bên ngoài, cuốn theo nhiều mầm bệnh và tế bào da chết ra khỏi tai. Lớp ráy tai khi khô sẽ từ từ long ra, di chuyển dần từ trong ra ngoài do tác động từ quá trình nhai, nuốt và cử động của cơ thể.
Trong trường hợp quá ngứa tai, bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ tai hoặc muối sinh lý để rửa, kết hợp cùng xoa bóp vành tai và nắp tai. Tăm bông chỉ nên dùng để thấm, tuyệt đối không ngoáy. Và nếu như không thấy đỡ, bạn nên cân nhắc đến bác sĩ chuyên khoa để khám.
- Sau khi xem bức hình này, đảm bảo bạn sẽ không dám ngoáy tai nữa