Tại sao mùa đông lạnh hơn trong khi Trái đất nóng lên?
Khí hậu Trái đất đang càng ngày càng trở nên khắc nghiệt. Một số quốc gia như Mỹ ghi nhận nhiều ngày có nhiệt độ thấp kỉ lục hơn số ngày có nhiệt độ cao kỉ lục, trong khi tại các quốc gia khác nhiệt độ ngày càng tăng cao.
Gọi tên quá trình biến đổi khí hậu là "ấm lên toàn cầu" có lẽ không phải là một cách gọi chính xác. "Ấm lên" khiến bạn có cảm giác rằng thời tiết sẽ nóng lên với tốc độ chậm, từ từ, ổn định – giống như khi hâm nóng một món ăn nào đó vậy. Nhưng, đó không phải là cách hệ thống khí hậu toàn cầu, vốn rất phức tạp.
Mức độ tập trung ngày càng cao của carbon dioxitde và các các loại khí giữ nhiệt khác chỉ là một trong số rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khí hậu toàn cầu. Các yếu tố khác như sự khác biệt về nhiệt độ từ năm này sang năm khác một cách tự nhiên vốn đã tồn tại từ trước khi Trái đất nóng lên do ảnh hưởng của con người. Trong thời gian ngắn, nhiệt độ Trái đất có thể tăng và giảm giống như là cổ phiếu của một công ty trên sàn chứng khoán vậy. Nhưng, xu hướng khí hậu lâu dài sẽ không thay đổi, và đây là điều quan trọng nhất với chúng ta.
Trung tâm Dữ liệu Khí hậu Quốc gia Mỹ (NCDC) vừa tiết lộ rằng, nhiệt độ tại Mỹ vào tháng 11 là 5,3 độ C, thấp hơn 0,2 độ C so với mức trung bình của thế kỉ 20. Đây là một điều rất đáng ngạc nhiên, bởi cả nước Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới đã liên tục chịu ảnh hưởng từ hiện tượng ấm lên toàn cầu. Trong phần lớn các tháng khác, nhiệt độ trung bình tại nước Mỹ cao hơn mức trung bình của thế kỉ 20, vốn được coi là mức "chuẩn" cho khí hậu bình thường.
Trên toàn cầu, trong suốt 29 năm qua, chưa có một tháng nào có nhiệt độ trung bình thấp hơn mức trung bình của thế kỉ 20. Tuy vậy, trong tháng 11 tại Mỹ, tổng số lượng kỉ lục nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt mức thấp nhất trong lịch sử, và nhiệt độ thấp nhất trong ngày đạt mức thấp nhất trong lịch sử còn nhiều gấp 3 lần tổng số lượng kỉ lục nhiệt độ cao nhất trong ngày đạt mức cao nhất trong lịch sử, nhiệt độ thấp nhất trong ngày đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Nhà báo Andrew Freedman của tờ Climate Central đưa ra lời giải thích:
"Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn so với năm ngoái – năm ấm nhất trong lịch sử Mỹ - năm mà số lượng kỉ lục nhiệt độ cao nhất vượt qua số kỉ lục nhiệt độ thấp nhất với tỉ lệ 4/1. Đây cũng là một lời nhắc về sự thay đổi bất thường mang tính tự nhiên trong thời gian ngắn, trong bối cảnh xu hướng ấm lên toàn cầu về lâu về dài".
Ngay cả Bắc Cực cũng ít chịu ảnh hưởng từ quá trình thay đổi khí hậu hơn các năm khác. Tổ chức Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ NOAA vừa đưa ra báo cáo về Bắc Cực, một trong các địa điểm ấm lên nhiều nhất trên toàn cầu. Mùa Hè tại Bắc Cực năm nay "mát mẻ" hơn so với nhiều năm gần đây nhất, và trong khi băng mùa Hè (một trong các yếu tố đánh giá sự thay đổi khí hậu đối với Bắc Cực) tan chảy xuống tới mức thấp thứ 6 kể từ cuối thập niên 1970 (khi NOAA bắt đầu theo dõi băng), nhiệt độ năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với năm 2012. "Trong năm 2013, Bắc Cực đã chấm dứt chuỗi một loạt các năm chứng kiến độ ấm kỉ lục và băng tan nhiều", David M. Kennedy, phó thư kí phụ trách hoạt động của NOAA thông báo trong một hội thảo tại San Francisco.
Vậy, liệu chúng ta có nên ngừng lo ngại về quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu hay không? Câu trả lời là không! Ông Kennedy cho biết mặc dù năm nay là một năm khá "tốt" đối với Bắc Cực nếu chỉ xét tới các năm gần đây, đây vẫn là một năm tồi tệ nếu xét toàn bộ lịch sử. "Một năm khá lạnh tại một vài vùng của Bắc Cực không có ý nghĩa nhiều để chống lại xu hướng của 30 năm qua: Bắc Cực đang nóng lên rất nhanh, trở nên "xanh hơn" và chứng kiến nhiều thay đổi, gây ảnh hưởng tới con người, môi trường vật lý, các hệ sinh thái dưới nước và trên bờ". Bắc Cực ngày càng "xanh hơn" (ý nói cây cối mọc được do khí hậu ấm hơn) là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khí hậu đang ấm lên, băng tại Greenland tiếp tục tan chảy và tuyết rơi tại Bắc Bán cầu vào tháng 5 và 6 đạt dưới mức trung bình. Nhiệt độ trung bình tại Bắc Cực tăng khoảng 2 độ kể từ thập niên 1960, nhanh gấp 2 lần các khu vực khác trên thế giới. Một năm có nhiệt độ thấp hơn sẽ không thể thay đổi xu hướng đó.
Điều này cũng sẽ đúng với cả nước Mỹ, mặc dù năm nay có số lượng ngày lạnh kỉ lục nhiều hơn số lượng ngày nóng kỉ lục. Tháng 11 tại nước Mỹ có thể đã lạnh bất thường, song đó chỉ là so với những năm đặc biệt ấm gần đây (2012 là năm nóng kỉ lục đối với Mỹ). Trong khi nước Mỹ đã có một năm lạnh bất thường, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu vẫn đạt trên mức trung bình, và năm 2013 vẫn sẽ là một trong những năm ấm nhất trong lịch sử. Nếu năm 2014 trở thành một năm El Nino, đây có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử, quá trình thay đổi khí hậu sẽ không bị thay đổi chỉ bởi một vài ngày lạnh hơn dự kiến.