Tại sao nhện cái ăn thịt bạn tình trước khi giao phối?
Một nghiên cứu mới phát hiện, "tính cách" của một con nhện cái có thể ảnh hưởng tới việc nó quyết định ăn thịt bạn tình tiềm năng ngay lập tức hay trì hoãn chuyện đó tới sau khi hoàn tất giao phối hoặc tha chết cho bạn tình.
Ở một số loài nhện, các con cái khét tiếng vì thói quen ăn thịt bạn tình sau khi ân ái. Tuy nhiên, trong thực thế vẫn có những con nhện cái thậm chí "xơi tái" bạn tình tiềm năng trước cả khi quá trình giao phối diễn ra.
Các nhà khoa học đã đưa ra hàng loạt phỏng đoán về lí do tại sao có quá nhiều loài nhện phát triển thói quen "xơi tái" bạn tình đến như vậy. Đối với các cá thể cái, ăn thịt bạn tình có thể mang tới lợi thế về dinh dưỡng hoặc giúp loại bỏ số lượng những "ông bố" không mong muốn.
Đối với các cá thể đực, sự hy sinh có thể nhằm bảo đảm các gene của chúng sẽ được truyền lại cho thế hệ sau. Chẳng hạn như, ở một số loài nhện, con đực để lại xúc túc đóng vai trò như dương vật có thể tách rời của chúng bên trong cơ thể con cái sau cuộc "yêu" nhằm xua đuổi tinh trùng của các tình địch.
"Tính cách" quyết định việc nhện cái có chọn ăn thịt bạn tình tiềm năng trước khi giao phối hay không. (Ảnh: BBC)
Tuy nhiên, các lợi ích của hiện tượng ăn thịt bạn tình mập mờ hơn khi các "nàng" nhện trinh ngốn ngấu bạn tình thuộc mọi kích cỡ một cách bừa bãi, thậm chí không quân tâm tới "chuyện ấy" với chúng. Các nhà nghiên cứu đến từ Trạm thử nghiệm các vùng đất khô cằn (EEZA) của Tây Ban Nha đã tiến hành kiểm tra xem liệu các đặc điểm tính cách nhất định, chẳng hạn như sự hung dữ, hiếu chiến, có ảnh hưởng tới cách đối xử của nhện cái với những nhện đực tiến lại gần hay không.
Nhóm nghiên cứu đã bắt nhốt 99 con đực và 88 con cái thuộc loài nhện Iberian tarantula Lycosa hispanica. Họ sau đó phân loại các nhện cái thành nhóm "hung dữ" hoặc "hiền lành" nhờ quan sát cách chúng phản ứng trước các con mồi và khẩu vị ăn của chúng.
Nhóm nhện cái, tất cả đều là "trinh nữ", sau đó được thả chung với các con đực. Kết quả cho thấy, các con cái hiền lành nhiều khả năng sẽ giao phối trước khi tấn công con đực. Chúng cũng có xu hướng ăn thịt con đực yếu kém hơn và thích ân ái với những con đực vượt trội hơn.
Trong khi đó, các con cái hung dữ giết chết con đực bất kể khỏe hay yếu, thậm chí trước cả khi giao phối. Điều này ám chỉ, bản tính hiếu chiến đã khiến những con nhện cái này mất khả năng phân biệt bạn tình tiềm năng là nguồn cung cấp tinh trùng hay nguồn thức ăn và "xơi tái" nhện đực một cách bừa bãi.
Các nhà nghiên cứu kết luận, chính "tính cách" đã quyết định thái độ của nhện cái trước con mồi và cả bạn tình tiềm năng. Sự hung dữ sẽ khiến nhện cái trở nên phàm ăn và "xơi tái" nhện đực bất chấp đã giao phối hay chưa.