Tại sao phải học...cái chưa biết?

Tri thức nhân loại có thể chia thành 2 dạng tồn tại song song với nhau: cái đã biết và cái chưa biết. Nền giáo dục phong kiến kéo dài hàng ngàn năm dạy con người học và tin vào những cái đã biết nhưng rồi càng lúc con người càng nhận ra phải học cái đã biết để có thể ứng xử với những cái chưa biết đang treo lơ lửng trên đầu mình và đến một lúc nào đó sẽ đạt tới trạng thái hiểu được bản chất của cái chưa biết.

Khi ấy cái chưa biết sẽ trở thành cái đã biết và con người sẽ lại phải đối diện với những hệ thống chưa biết khác. Lịch sử càng vận động, số lượng những cái chưa biết càng nhiều, càng dồn dập, càng phức tạp. Và lịch sử chứng minh, những ai có ý thức tìm hiểu "cái chưa biết" luôn phát triển hơn những ai chỉ khư khư tin vào những điều đã biết.


Lịch sử càng vận động, số lượng những cái chưa biết càng nhiều, càng dồn dập, càng phức tạp.

Năm 1529, khi Piazarro được nhà nước Tây Ban Nha tấn phong làm đại tướng và khi vị đại tướng này mang theo 180 thủy thủ tấn công vào đế chế Inca (Peru) thì người Inca biết gì về kẻ xâm lược mình? Họ không biết về bản thân Piazarro đã đành, họ cũng không biết luôn về những con thuyền xâm lược và họ không có ý thức để biết rằng trước đó một người Tây Ban Nha khác là Cortes đã hủy diệt cả đế chế Aztec vốn ở cùng châu Mỹ với mình.

Thế giới quan của người Inca đơn giản chỉ gói gọn ở cái địa phương mà họ đã sinh sống, đã phát triển và làm ra những kho vàng - miếng mồi hấp dẫn của những nhà thực dân chủ nghĩa. Họ nghĩ rằng vương quốc của họ là tất cả thế giới.

Chính vì thế, chỉ bằng vài xảo thuật, Piazarro đã dễ dàng đưa vua Inca vào vòng vây của mình. Ông vua ấy có tên Atahualpa - thần mặt trời của người Inca nhưng thần mặt trời với 6.000 quân địa phương đã bị vài trăm người Tây Ban Nha với vũ khí tối tân hơn bắt gọn. Nhưng chưa hết, khi Atahualpa đề nghị một khoản tiền chuộc được đồn đoán là có thể chất một sàn nhà đầy vàng thì ông ta sau đó còn chết một cách thảm thương hơn. Bởi một mặt Piazarro nhận lời đề nghị đó nhưng nhận tiền chuộc xong thì vẫn điềm nhiên ném Atahualpa lên giàn thiêu sau một phiền tòa dị giáo do chính mình sắm vai thẩm phán. Đế quốc Inca với ông vua cuối cùng Atahualpa đã bị tiêu diệt vì đơn giản là không có kỹ năng ứng xử với... một chủng người xâm lược mà trước đó mình chưa từng biết.

Thật ra, nếu chịu khó vươn tầm suy nghĩ ra khỏi lãnh thổ của mình một chút thôi, chắc chắn họ đã không bị tiêu diệt một cách tàn nhẫn đến như thế. Bởi 10 năm về trước, một điều tương tự đã diễn ra ở đế chế Aztec (Mexico) - một người hàng xóm châu Mỹ của họ.

10 năm trước, một viên thuyền trưởng người Tây Ban Nha có tên Cortes đã đổ quân lên bãi biển thuộc thành phố Vera Curz ngày nay. Và đó là lần đầu tiên những người thổ dân Aztec nhìn thấy một giống người... khác mình. Giống người ấy là quỷ dữ hay thần thánh? Tại sao giống người ấy lại có những cây kim loại tạo ra sấm sét? Tại sao giống người ấy có thể cưỡi trên đại dương bằng cái thứ mà phải rất lâu sau đó họ mới lờ mờ hiểu là những hạm đội thuyền xâm lược?

Những người Tây Ban Nha khác quá và lạ quá. Thế nên, thay vì tìm cách ngăn chặn sự đổ bộ của cái giống người xa lạ này, thổ dân Aztec lại tìm cách thỏa hiệp. Họ hồn nhiên dẫn Cortes đến tận kinh đô của mình để gặp hoàng đế Montezuma. Họ không biết rằng chỉ đợi có thế Cortes ra lệnh cho quân sĩ dùng vũ khí bằng sắt thép đánh lại những cận vệ của Montezuma và bắt luôn vị chủ nhà tốt bụng. Đó chính là sự khởi phát đầu tiên cho sự sụp đổ của đế chế Aztec sau này.

Như vậy, cái công thức Cortes sử dụng để đánh chiếm Aztec cũng chính là công thức mà 10 năm sau Piazarro sử dụng để đánh chiếm Inca. Nhưng, nạn nhân sau không hề biết đến những câu chuyện của nạn nhân trước cho nên đã chết y như nạn nhân trước. Chết thảm thương và đẫm máu.

Thật ra thì trước đó, nếu chịu vượt khỏi cái khuôn nhận thức của mình để tìm hiểu thì "nạn nhân trước" - những người Aztec sẽ biết rằng hàng loạt hòn đảo ở vùng Caribe cũng bị đánh chiếm theo cách tương tự. Chỉ một cách ấy thôi - chỉ một công thức ấy thôi - chỉ một quy mô và tầm nhìn ấy thôi, thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã dễ dàng khuất phục những "kẻ không biết" ở tân thế giới.

Nhưng nào chỉ những thổ dân như Aztec hay Inca, ngay cả những đế chế rộng lớn ở Á châu lúc ấy cũng chịu chung bi kịch của "kẻ không biết" này. Nói đúng ra thì họ cứ tự tin là mình đã biết hết, cứ tự tin mình là thiên tử - con trời nên quy mọi tinh hoa và tất cả những yếu tố khác ngoài mình đều là man rợ.


Phải học những cái đã biết để không bi động khi đối diện với những cái chưa biết là vì vậy.

Thế nên những đế chế này mới "bế quan tỏa cảng", đóng cửa với thế giới để tự thỏa mãn mà thực chất là tự đầu độc tương lai giống nòi. Bởi vì không lâu sau đó, khi đụng chạm và bị xâu xé bởi thực dân châu Âu thì họ đã nhanh chóng vỡ vụn và cũng phải rất lâu sau đó mới hiểu rằng so với châu Âu, mình đã thua cả một thế kỷ văn minh.

Tầm nhìn của người châu Âu thể hiện ở những cuộc viễn chinh đại dương nhằm tìm hiểu, khám phá và chinh phục những cái mình không biết được khởi đi từ cuộc thám hiểm vĩ đại của thuyền trưởng Columbus nhưng nhìn ở góc độ nào đó thì chính Columbus cũng lại chịu cái bi kịch "không biết" này. Bởi vì ở cái khoảnh khắc 2 giờ sáng ngày 12/10/1492, khi thủy thủ của ông chợt nhìn thấy một hòn đảo và hét lên "đất liền!" thì Columbus tin rằng đấy là một hòn đảo ở Đông Á.

Bởi vì những tấm bản đồ thế giới được vẽ ở châu Âu lúc đó chỉ dừng lại ở Đông Á - nơi mà người châu Âu lúc đó tin là xa nhất với mình. Columbus tin vào những tấm bản đồ đã có - tin vào những tri thức đã có nên đến tận khi nhắm mắt xuôi tay ông cũng không biết rằng chính mình (chứ không phải ai khác) đã tìm ra tân thế giới.

Ở thời đại của mình, Columbus không thể nghĩ (hoặc không dám nghĩ) lại có một vùng đất hoàn toàn mới, chưa từng có trên những tấm bản đồ. Phải gần 10 năm sau, một thủy thủ người Italia là Amerigo Vespucci mới chứng minh điều này, rằng hòn đảo trong tầm mắt Columbus không phải Đông Á mà là châu Mỹ và điều này tạo ra một chấn động mang tính bản lề về nhận thức con người: thế giới còn nhiều điều chúng ta chưa từng biết đến! Không bị đóng đinh bởi những cái mình đã biết, không bị ràng buộc bởi những cái mình đã biết, dám mở một chân trời để tìm hiểu, khám phá những cái mình chưa biết, đấy là quy luật thành công mà chúng ta có thể học được từ trùng trùng lớp lớp những vận động của lịch sử.

Và hiểu rõ quy luật ấy là để trở về với những câu hỏi của thực tại: Sẽ còn bao nhiêu những cái chưa biết tiếp tục đổ xuống nhân loại này? Đầu thế kỷ 20, nhà toán học Alan Turing đặt nền móng đầu tiên cho nền khoa học máy tính hiện đại và có lẽ ông không thể ngờ rằng đến cuối thế kỷ 20, thông qua những chiếc máy tính, Internet được phổ biến toàn cầu và ông càng không thể ngờ rằng đến những năm đầu tiên của thế kỷ 21 thì hàng loạt vấn đề về tự động hóa và trí tuệ nhân tạo đã dẫn dắt loài người vào một kỷ nguyên công nghệ hoàn toàn mới.

Chính loài người làm nên công nghệ nhưng rồi chính công nghệ đã tác động ngược trở lại đời sống con người, nằm ngoài mọi sự tưởng tượng trước đó của con người. Khoảng 20 năm về trước, ai dám tin là mạng xã hội có thể bùng nổ và tạo ra hàng loạt biến động vào cấu trúc xã hội - cấu trúc tâm hồn con người như hôm nay? Và ai dám tin rằng 20 năm sau nữa, con người sẽ tìm ra một cách ứng xử hợp lý nhất với "người bạn vĩ đại" mà cũng là "con quái vật vĩ đại" mang tên mạng xã hội này?

Rõ ràng, chúng ta không thể dự báo chính xác tương lai nhưng chúng ta bắt buộc phải tìm ra những phương thức để ứng xử với những "cái chưa biết" có thể đổ ập xuống chúng ta ở bất cứ một thời điểm nào đó ở tương lai. Cái chưa biết có thể nằm trong một hệ hình tri thức hoàn toàn mới, đòi hỏi những kỹ năng nhận thức và kỹ năng ứng xử hoàn toàn mới, phá tan cái cấu trúc đã có trong quá khứ.

Thành thử, từ góc độ giáo dục học hay văn hóa học, việc học những cái đã biết, tìm hiểu những cái đã biết, say mê những cái đã biết không chỉ để nắm rõ những cái đã biết (cho dù điều đó là rất quan trọng) mà còn phải hướng đến việc tìm ra những kỹ năng mới để có thể ứng xử với những vấn đề mới - những cái mà chúng ta chưa từng biết bao giờ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất