Tại sao trẻ sinh mổ dễ mắc bệnh hô hấp hơn trẻ sinh thường?
Trẻ được sinh mổ đều xuất hiện khò khè, dễ bị suy hô hấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp sau này.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Pháp (Hà Nội), tư vấn:
Thời tiết thất thường, tôi có nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến bệnh hô hấp xuất hiện ở các bé sơ sinh. Sau khi hỏi thăm tình hình các bé thì được biết hầu hết mắc phải hiện tượng trên đều được ra đời dưới hình thức sinh mổ.
Điều này cũng không nằm ngoài dự đoán của tôi vì các bé được sinh mổ thường xuất hiện khò khè, dễ bị suy hô hấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp sau này. Ngoài ra, khả năng bị mắc các bệnh như dị ứng, chàm sữa, hen suyễn của bé trẻ sinh mổ cũng cao hơn trẻ sinh thường.
Em bé sinh thường mất 10 ngày để hoàn thiện hệ miễn dịch thì bé sinh mổ phải mất đến 6 tháng.
Tại sao lại như vậy?
- Khi sinh thường, trẻ sẽ được chui qua ống sinh tự nhiên của mẹ (âm đạo) nên được nuốt các vi khuẩn có lợi tại đây. Các lợi khuẩn này có tác dụng kích thích hệ vi sinh đường ruột của trẻ, giúp hoàn thiện hệ miễn dịch. Trẻ sinh mổ không được trải qua điều kiện thuận lợi ban đầu này nên bị ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển của hệ miễn dịch.
- Mẹ sinh mổ thường lên sữa chậm và phải sau từ 4-5 tiếng cách ly mới được cho bé bú, trong khi sữa non của mẹ rất giàu dinh dưỡng và chứa nhiều kháng thể cho trẻ giúp trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch.
Đây chính là hai nguyên nhân chính khiến trẻ sinh mổ chậm hoàn thiện hệ miễn dịch so với trẻ sinh thường. Trong khi một em bé sinh thường mất 10 ngày để hoàn thiện hệ miễn dịch thì bé sinh mổ phải mất đến 6 tháng cho một hệ miễn dịch hoàn thiện.
Trẻ sinh mổ không đi qua đường sinh bình thường do vậy trẻ không được đẩy từ buồng tử cung xuống âm đạo nhờ các cơn co và trẻ không chui qua ống âm đạo nên lồng ngực của bé không bị ép chặt và đẩy hết nước ối tại đường hô hấp (phổi, khí phế quản) ra ngoài. Điều này có thể gây ra tồn dịch trong phổi dẫn đến hội chứng “chậm hấp thu dịch phổi” dễ gây suy hô hấp cấp và tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp sau này.
Thời gian theo dõi ở bệnh viện lâu hơn trẻ sinh thường cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sinh mổ, do hệ miễn dịch vẫn còn chưa hoàn thiện mà phải tiếp xúc với nhiều vi khuẩn và mầm bệnh ở môi trường bệnh viện.
Vì vậy, tôi luôn khuyên các mẹ sinh mổ là nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất chứa nhiều kháng thể, giúp trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch. Trong trường hợp nào cũng nên nhanh chóng cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt, nhất là sữa non trong những ngày đầu sau sinh.