Tại sao trẻ tự kỷ thường tránh nhìn vào mắt người khác?

Khoa học từ lâu đã tranh cãi về việc trẻ tự kỷ bắt gặp những ánh nhìn của người khác sẽ đem đến cho chúng cảm giác không thoải mái hay đơn giản đó chỉ là sự thờ ơ.

Theo trang khoa học Scientific American cho biết từ một nghiên cứu gần đây, trẻ em mắc chứng tự kỷ thường lãng quên những tương tác xã hội nhưng sẽ không chủ động tránh né những ánh nhìn của người khác.

Những phát hiện này hỗ trợ một mặt của cuộc tranh luận lâu dài bấy nay: Liệu có phải những đứa trẻ tự kỷ có xu hướng không nhìn vào mắt những người khác do chúng cảm thấy nhàm chán hay do nhận thấy giao tiếp bằng mắt không thoải mái?

"Câu hỏi về tại sao chúng ta thấy việc giảm tiếp xúc bằng mắt của trẻ tự kỷ đã có từ lâu. Điều quan trọng chúng ta hiểu tự kỷ như thế nào, và cách chúng ta đối xử với tự kỷ như thế nào", trưởng nhóm nghiên cứu Warren Jones, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Tự kỷ Marcus ở Atlanta (Georgia, Mỹ) nói.

Nếu trẻ em bị bệnh tự kỷ không thích giao tiếp bằng mắt, phương pháp điều trị có thể kết hợp nhiều cách để làm giảm bớt sự khó chịu. Nhưng nếu nhìn vào mắt chỉ đơn thuần là không quan trọng với chúng, các bậc phụ huynh và nhà trị liệu có thể giúp chúng hiểu tầm quan trọng trong các tương tác xã hội thông thường.

Công việc này cũng có ý nghĩa cho các nhà khoa học khi nghiên cứu giao tiếp bằng mắt nên tập trung vào các vùng não xã hội thay vì các vùng não liên quan đến nỗi sợ và sự lo lắng.


Thiếu giao tiếp bằng mắt là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ.

Thiếu giao tiếp bằng mắt là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh tự kỷ, và đánh giá về nó là một phần trong các công cụ chẩn đoán và sàng lọc bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ lâu đã tranh luận về cơ chế ẩn chứa bên dưới.

Giả thuyết "thiếu sự quan tâm" là phù hợp với lý thuyết động lực xã hội, cho rằng việc không có hứng thú trong xã hội thông tin là nền tảng cơ bản cho bệnh tự kỷ. Ở khía cạnh khác, các báo cáo từ những người bệnh tự kỷ cho rằng họ cảm thấy giao tiếp bằng mắt đem đến sự khó chịu. Các nghiên cứu theo dõi chuyển động mắt con người khi nhìn vào những khuôn mặt cung cấp những hỗ trợ cho cả hai giả thuyết này.

Sự thờ ơ trong ánh mắt

Nghiên cứu mới được công bố ngày 18/11 trên tạp chí American Journal of Psychiatry là lời giải đầu tiên cho vấn đề này ở trẻ em.

Đội nghiên cứu của ông Jones trình diễn một loạt các đoạn video cho các trẻ em xem, gồm 38 trẻ phát triển bình thường, 26 trẻ được đánh giá là tự kỷ, và 22 trẻ chậm phát triển trong nhận thức, ngôn ngữ hay vận động nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn cho chứng tự kỷ. Các bé đều 2 tuổi. Các nhà nghiên cứu sử dụng công nghệ theo dõi mắt để giám sát ánh nhìn của trẻ khi chúng xem video.

Ban đầu, những đứa trẻ nhìn thấy một vòng tròn màu xanh và trắng nhỏ sẽ xuất hiện trên màn hình khi âm thanh vang lên để thu hút sự chú ý của chúng. Ngay sau khi đứa trẻ nhìn vào vòng tròn, một đoạn video của một nữ diễn viên sẽ xuất hiện tại vị trí này. Nữ diễn viên sẽ trò chuyện với với trẻ theo cách vô cùng hấp dẫn.

Trong một số trường hợp, vị trí của vòng tròn hướng ánh nhìn của trẻ đến mắt của nữ diễn viên. Lúc khác, vòng tròn dẫn trẻ nhìn vào những phần khác trên mặt của nữ diễn viên hoặc các cảnh quan xung quanh cô đã được các nhà nghiên cứu xây dựng trông giống như phòng của một đứa trẻ, đầy đủ đồ chơi và hình ảnh đầy màu sắc.

Khi có những gợi ý từ vòng tròn nhìn vào mắt của các nữ diễn viên, những đứa trẻ tự kỷ không rời mắt khỏi cô ấy sớm hơn so với những nhóm khác. Phát hiện này cho thấy rằng giao tiếp bằng mắt không gây khó chịu với chúng.


Thanh thiếu niên và người lớn bị bệnh tự kỷ thường cho rằng giao tiếp bằng mắt cường độ cao khiến họ thấy không thoải mái.

Sự rõ ràng trong khái niệm

Trong phần còn lại của đoạn video, các trẻ thường có xu hướng nhìn vào mắt của các nữ diễn viên khi giọng nói và nét mặt có cảm xúc hấp dẫn; đôi khi chúng nhìn những nơi khác khi cô không có cảm xúc biểu cảm.

Trẻ em mắc chứng tự kỷ dành ít thời gian nhìn vào mắt của các nữ diễn viên hơn so với những đứa trẻ khác nhưng giao tiếp bằng mắt của chúng không thay đổi với biểu cảm trên khuôn mặt của cô gái.

"Đây là một câu chuyện rất rõ ràng và súc tích. Có một hành vi không ưa thích đang diễn ra. Điều này thật sự là sự thờ ơ về ánh nhìn", Frederick Shic, giáo sư nhi khoa tại Đại học Washington ở Seattle cho biết.

Trong khi đó, trẻ em trong nhóm chậm phát triển cho thấy mô hình giao tiếp mắt tương tự như trẻ bình thường.

Các nhà khoa học hiện đang muốn có những nghiên cứu cần thiết và lớn hơn để tìm hiểu về mô hình "thiếu sự quan tâm" của trẻ. Hơn nữa, thanh thiếu niên và người lớn bị bệnh tự kỷ thường cho rằng giao tiếp bằng mắt cường độ cao khiến họ thấy không thoải mái, vì vậy sự ác cảm về giao tiếp bằng mắt có thể phát triển sau này trong cuộc sống.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất