Tại sao trên thế giới món bánh trông như khúc gỗ lại trở thành "huyền thoại" trong đêm Giáng Sinh?

Bánh khúc cây, hay còn gọi là Bûche de Noël, Yule Log, Christmas Log là món bánh tráng miệng nổi tiếng của Pháp. Bánh khúc cây là một loại bánh xốp mỏng được cuộn tròn quanh nhân ngọt và phủ sô cô la bên ngoài để tạo hình thành khúc gỗ. Bánh thường được thưởng thức sau bữa tối Giáng sinh hoặc bữa ăn Giáng sinh vào ngày 25/12.

Đằng sau lý do loại bánh có hình khúc gỗ này là cả một câu chuyện dài...


Bánh khúc cây truyền thống trong ngày Giáng Sinh.

Khi đêm ngắn nhất trong năm đến gần, nước Pháp bước vào kỳ nghỉ đông truyền thống. Các gia đình cùng nhau thực hiện các hoạt động trong mùa lễ kéo dài khoảng 1 tháng như bắt đầu Mùa Vọng (vào đầu tháng 12) và kết thúc bằng Lễ Hiển Linh (6/1). Ở Pháp và nhiều nước châu Âu khác, người dân sẽ có chợ Giáng sinh ngoài trời, rượu ngâm theo mùa chẳng hạn như rượu táo nóng hoặc mua quà ở các khu mua sắm. Tuy vậy, trên thế giới, người ta ấn tượng hơn cả là truyền thống độc đáo ăn bánh khúc cây.

Bánh khúc cây từ khởi nguồn xa xưa

Bánh khúc cây bắt nguồn từ những câu chuyện xưa, nơi nuôi dưỡng nên những "hương vị" đậm sự màu nhiệm. Từ xưa rồi, xưa lắm, khi những khúc gỗ sồi thật được trang trí để đốt cháy kỉ niệm ngày Đông chí mong một vụ mùa bội thu trong năm mới.


Nguồn gốc của bánh khúc cây có lẽ bắt nguồn từ người Celt.

Nguồn gốc của bánh khúc cây có lẽ bắt nguồn từ người Celt. Ngày Đông chí (hay còn gọi là lễ hội Yule) được tổ chức với nhiều nghi lễ lớn. Khúc gỗ được đốt để chào mừng mặt trời sẽ trở lại vào mùa xuân, ánh nắng ngập tràn và mang đến nhiều điều may.

Vào ngày ngắn nhất trong năm, người Celt sẽ tìm kiếm một thân cây sồi, cây du hoặc anh đào lớn và đốt nó như một biểu tượng cho sự tái sinh của mặt trời. Trong thời Trung cổ, nghi lễ đốt gỗ phức tạp hơn. Bản thân các khúc gỗ sẽ được trang trí bằng ruy băng và lá xanh. Sau đó, thành viên nhỏ nhất và lớn tuổi nhất trong mỗi gia đình sẽ mang khúc gỗ đến lò sưởi và đốt nó trong ngọn lửa sẽ cháy suốt đêm. Người ta cho rằng những khúc gỗ này giúp chữa được nhiều bệnh tật và bảo vệ ngôi nhà khỏi sự độc ác của linh hồn ma quỷ.

Họ tin rằng, những ngọn lửa ấm áp được tạo ra từ gỗ sồi vào đêm Giáng sinh sẽ giúp xua đuổi tà ma. Đồng thời, họ sẽ giữ lại than hồng và tro. Than hồng giúp giữ ấm, bảo vệ ngôi nhà và tro sẽ được rải vào mùa xuân trên các cánh đồng với mong ước một mùa vụ bội thu.

Một khúc gỗ thật được chọn lựa kĩ càng, trang trí và đốt vào đêm Giáng sinh. Khúc gỗ ấy được dùng trong cả mùa Giáng sinh và sang năm mới không bị cái lạnh của mùa đông làm tê tái.

Thời gian qua đi, khi những lò sưởi đốt củi không còn thịnh hành và những cây sồi già dần ít đi, một chiếc bánh hình khúc cây được đặt trên bàn trong mùa lễ Giáng sinh thay thế cho khúc gỗ thật như một cách tượng trưng đặc biệt.


Bánh hình khúc cây được đặt trên bàn trong mùa lễ Giáng sinh như một cách tượng trưng đặc biệt.

Đối với người phương Tây, bánh khúc cây trong mùa Giáng sinh là một cách đơn giản để giữ truyền thống gia đình.

Bánh khúc cây có nhiều phiên bản nhưng chủ yếu vẫn là phần cốt bánh được cuộn thành hình khúc gỗ, phủ một lớp kem lên và trang trí bằng đường, quả mọng, lá cây ô rô, lá vân sam,...

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất