"Tái sinh" nàng Shep-en-Isis từ xác ướp Ai Cập 2.600 tuổi
Shep-en-Isis là xác ướp nổi tiếng của Thụy Sĩ, có nguồn gốc từ Ai Cập cổ xưa và được cất giữ trong Thư viện Tu viện São Galo ở St.Gallen từ năm 1820. Giờ đây nhờ khoa học hiện đại, công chúng đã biết mặt nàng.
Dự án "Tái tạo khuôn mặt pháp y của Shep-en-Isis" dã đưa đến kết quả ngoài mong đợi khi đem về từ Ai Cập cổ xưa một phụ nữ 30-40 tuổi với nước da màu ô liu và nét mặt thanh tú đặc trưng của người Ai Cập.
Xác ướp Shep-en-Isis, nay thuộc sở hữu của Thụy Sĩ - (Ảnh: FAPAB Research Center / Cicero Moraes)
Theo Acient Origins, xác ướp này được tìm thấy trong ngôi đền nhà xác của pharaoh Hatshepsut ở lưu vực thung lũng Deir el-Bahari, bờ Tây sông Nile. Nàng nằm trong một ngôi mộ gia đình cùng với cha, một quý tộc giàu có, thuộc dòng dõi các thầy tu, được học hành nề nếp và có bằng cấp chính quy.
Chân dung nữ quý tộc Ai Cập sau khi được tái tạo - (Ảnh: FAPAB Research Center / Cicero Moraes).
Nàng được Thụy Sĩ mua lại và trưng bày cho đến nay. Nghiên cứu xác ướp cho thấy nàng sinh ra vào khoảng năm 650 trước Công Nguyên và qua đời khoảng năm 620 đến 610 trước Công Nguyên
Hầu hết các chi tiết đều dựa trên giải phẫu học chính xác - (Ảnh: FAPAB Research Center / Cicero Moraes)
Công trình tái tạo khuôn mặt xác ướp Ai Cập được đứng đầu bởi chuyên gia người Brazil Cícero Moraes, nổi tiếng trong lĩnh vực tái tạo pháp y các nhân vật lịch sử. Ông và các cộng sự đã sử dụng các bằng chứng giải phẫu từ xác ướp, kết hợp dữ liệu từ các nghiên cứu nhân chủng học và các dữ liệu khác về Shep-in-Isis để có được dung nhan hoàn chỉnh nhất.
Hầu hết các chi tiết đều có bằng chứng giải phẫu rõ ràng, chỉ có da và màu mắt là nhóm nghiên cứu phải phỏng đoán và dựa theo nước da, màu mắt của người Ai Cập thời điểm đó. Shep-en-Isis cũng được tái hiện với một khuôn mặt và đôi mắt thông minh, phù hợp với tầng lớp và nền tảng giáo dục mà nàng thụ hưởng.
- Top 7 ví dụ đáng ngạc nhiên về sự tiến hóa của con người gần đây
- Nguồn gốc của thủy tinh: Chuyến hành trình về những nền văn minh cổ đại
- Phát hiện "rồng" dưới đáy biển, các chuyên gia vẫn chưa thể tiếp cận vì lý do bất ngờ