Tái tạo thành công gene của người đã chết 200 năm

Một nhóm nghiên cứu quốc tế do Công ty Sinh học và Dược phẩm deCODE Genetics (Iceland) tài trợ, đã thành công trong việc tái tạo một phần cấu trúc DNA của một người đàn ông qua đời từ năm 1827.

Điểm đáng lưu ý ở đây là, nhóm đã không hề có mẫu mô gốc. Nhiệm vụ tái cấu trúc DNA hoàn toàn dựa trên nghiên cứu mẫu DNA của hậu duệ người chết.


Nhiệm vụ tái cấu trúc DNA hoàn toàn dựa trên nghiên cứu mẫu DNA của hậu duệ người chết. (Ảnh: CC0 Public Domain).

Cụ thể, các nhà khoa học đã thu thập thông tin di truyền của nhiều người dân Iceland để tái tạo cấu trúc DNA của một nô lệ da đen – di cư đến đây hồi đầu thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, ông là người gốc Châu Phi duy nhất với nguồn gene độc nhất tại đây.

Người đàn ông tên Hans Jonatan này đã kết hôn và có con với một phụ nữ bản địa da trắng. Những người con, cháu của ông sau này đều mang một phần DNA của Jonatan. Ngoài ra, Iceland cũng nằm trong nhóm những quốc gia sở hữu hệ thống dữ liệu di truyền với độ phủ rộng hàng đầu thế giới – có dữ liệu của hơn một phần ba số công dân.

Tận dụng lợi thế trên, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm những hậu duệ của Jonatan, ban đầu từ 788 và rút xuống còn 182 người. Sau một thời gian làm việc, họ đã báo cáo là có thể sử dụng dữ liệu thu thập được để tái tạo một phần đáng kể cấu trúc DNA của Jonatan mà không cần phải sử dụng mẫu mô từ ông.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng truy tìm được gốc gác của Jonatan: mẹ ông vốn là một nô lệ gốc Phi tại đồn điền ở St. Croix – thuộc địa của Đan Mạch thời đó, còn cha của ông là một người châu Âu da trắng.

Dù thành công của nghiên cứu trên phần lớn dựa vào những điều kiện đặc biệt thuận lợi, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn tin tưởng vào tiềm năng ứng dụng của phương pháp, chẳng hạn như trong việc hoàn thành gia phả.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất