Tâm bão vào Quảng Nam, Đà Nẵng
Bình Định, Phú Yên có mưa lớn, gió giật mạnh
Bình Định, Phú Yên mới lọt vào danh sách những địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 9. Để tránh sự lúng túng, bị động cho 2 tỉnh này, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã gửi công điện khẩn yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão 2 tỉnh triển khai mọi biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản, phương tiện và các công trình.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Bão chuyển hướng khiến tâm bão lệch khoảng 40 đến 50km so với dự báo ban đầu. Tuy nhiên, điều may mắn là tâm cơn bão này không chỉ có một điểm mà là một vùng điểm. Do vậy, các tỉnh Bình Định, Phú Yên bị ảnh hưởng trực tiếp của gió lốc mạnh, mưa lớn và sóng biển dâng cao. Còn vùng tâm bão được xác định sẽ vẫn đổ vào Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào trưa hoặc chiều nay”.
Các tỉnh lân cận chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bão số 9 là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên. Tuy tâm bão không đi qua nhưng vùng gió mạnh cấp 6 có bán kính tới 200km nên tại các địa phương này đã xuất hiện mưa lớn, gió giật.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng dự báo ngắn hạn - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Đến nay vẫn chưa xác định được lý do vì sao bão áp sát vào Đà Nẵng rồi lại dịch chuyển xuống phía Nam”.
Ông Lê Thanh Hải thông tin: “Hiện giờ tâm bão đã lệch xuống phía Nam, sau đó ổn định trở lại và tiếp tục di chuyển theo hướng Tây để xuyên hết bề ngang miền Trung, sau đó mới sang Lào”.
Quãng Ngãi: Lũ lên cao, nhiều xã bị cô lập
Trên địa bàn tỉnh Quãng Ngãi, sáng 29/9, UBND tỉnh đã chỉ đạo di dời khẩn cấp trên 1000 hộ dân ở các xã ven biển từ huyện Bình Sơn tới huyện Đức Phổ.
Riêng huyện đảo Lý Sơn - nơi tâm bão đi qua gió giật cấp 12, cây cối hoa màu bị thiệt hại nặng. Hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái phải di dời tới trường học, trụ sở ủy ban các xã. Hiện thiệt hại chưa thống kê được, do phương tiên liên lạc giữa Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh và huyện đảo Lý Sơn chỉ duy nhất qua máy bộ đàm.
Theo ghi nhận của VietNamNet, tại khu vực nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện gió mạnh cấp 10, cấp 11, sóng biển cao từ 5 – 7 m. Theo thống kê sơ bộ có hàng trăm tàu cá nằm ở các bãi ngang ven biển Quãng Ngãi bị đánh chìm. Tuy nhiên, việc cứu hộ các tàu này là không thể, do gió bão và mưa rất mạnh.
Tuyến đường quốc lộ 24B xuống các xã Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (huyện Sơn Tịnh), xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) cây cối bị ngã rạp, nước lũ lên cao khiến các địa phương này bị cô lập hoàn toàn.
Cũng theo ghi nhận, tại địa bàn TP Quãng Ngãi, gió mạnh cấp 10 -11 đã khiến các bảng hiệu quảng cáo bị hất tung, bay khắp đường. Giao thông một số tuyến đường bị ắch tắc do cột điện, cây cối ngã.
Đến 11h sáng nay (29/09) mực nước trên các sông như Trà Khúc, Trà Bồng lên cao và ở mức báo động 3. Lũ lên cao bất ngờ ngoài dự đoán khiến người dân bị động, vừa phải đối phó với bão, vừa đối phó với mưa lũ.
Tình hình nước lũ lên cao khiến hàng ngàn hộ dân ở xã Bình Chánh, Bình Dương (huyện Bình Sơn) bị ngập chìm trong nước, chính quyền địa phương các xã này đang tìm cách sơ tán dân tới các điểm cao, an toàn…
Toàn tỉnh mất điện từ tối hôm qua. Gió rất mạnh, hiện phương tiên liên lạc với bên ngoài chủ yếu qua điện thoại cố định, tuy nhiên tại nhiều xã, đường dây bị đứt, khiến liên lạc bị cắt đứt.
Trưa nay, tâm bão đi vào Quảng Nam - Đà Nẵng
Hồi 8 giờ sáng 29/9, vị trí tâm bão còn cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 50km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định.
Như vậy khoảng trưa và chiều ngày 29/9 vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận tỉnh Quảng Nam và Thành phố Đà Nẵng. Lúc này, bão vẫn mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10-11.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam sẽ có nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 – 5m (ở thời điểm thủy triều đạt đỉnh).
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết tình hình lũ trên sông Cả, các sông từ Quảng Trị đến Phú yên, Gia Lai, Kon Tum đang ở mức khẩn cấp. Hiện nay, lũ các sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và sông Ba đang lên nhanh, hạ lưu sông Cả đang ở mức đỉnh. Đặc biệt là các sông ở Đà Nẵng đang lên mức trên báo động 3.
Mất liên lạc với đài quan trắc khí tượng Lý Sơn
Ông Lê Thanh Hải, PGĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho hay: “Đêm qua, đài quan trắc khí tượng thủy văn của chúng tôi đặt tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đo được gió mạnh cấp 12, giật cấp 14 ở khu vực này. Nhưng hiện giờ đài quan trắc này đã mất tín hiệu, không thể liên lạc được”.
Theo báo cáo của Bộ tham mưu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 29/9, trên tuyến biển từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận có 46.509 tầu/193.622 lao động đang hoạt động trên biển đã được thông báo, hướng dẫn tránh bão.
Trong ngày 28/9, Bộ tham mưu Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã tổ chức cứu hộ cứu nạn cho 9 vụ (7 tàu vận tải, 1 tàu hút cát, 1 sà lan, 4 tàu đánh cá). Do sóng lớn, các lực lượng cứu hộ chỉ tập trung chủ yếu cứu nạn, đến nay các thuyền viên đã an toàn.