Tầm nhìn xa trên toàn cầu suy giảm
Tại nhiều khu vực trên thế giới, tầm nhìn xa trong những ngày quang mây đã giảm kể từ thập niên 70 do sự tăng lên của các chất gây ô nhiễm môi trường.
Hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người, núi lửa phun trào, cháy rừng và sản xuất công nghiệp đã giải phóng hàng tỷ hạt siêu nhỏ (như muội than, bụi, phân tử SO2) và giọt dung dịch nhỏ li ti vào khí quyển. Chúng là tác nhân làm giảm tầm nhìn của mắt. Ngoài ra, các phần tử gây ô nhiễm không khí có thể gây nên nhiều bệnh tật cho con người. Nhóm khí gây hiệu ứng nhà kính (như CO2) không tác động tới tầm nhìn vì chúng trong suốt.
“Số lượng hạt siêu nhỏ trong không khí đang tăng nhanh, đặc biệt là ở châu Á”, Robert Dickinson, chuyên gia môi trường của Đại học Texas (Mỹ), nhận xét. Ông và hai nhà khoa học của Đại học Maryland phân tích dữ liệu về tầm nhìn xa từ năm 1973 tới năm 2007 tại 3.250 trạm khí tượng trên khắp hành tinh. Sau đó, họ đối chiếu kết quả phân tích với dữ liệu mới nhất do vệ tinh cung cấp để đảm bảo tính chính xác của nghiên cứu.
Kết quả cho thấy tình trạng suy giảm tầm nhìn đang xảy ra ở Nam Á, Đông Á, Nam Mỹ, Australia và châu Phi. Trong khi đó, tầm nhìn xa tại Bắc Mỹ không thay đổi, còn tầm nhìn xa ở châu Âu đang tăng lên.
Nhóm nghiên cứu cho rằng hoạt động sản xuất công nghiệp ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác tại châu Á đang làm giảm mức độ quang đãng của không khí. Trong khi đó, những quy định nhằm bảo vệ chất lượng không khí ở châu Âu khiến tầm nhìn xa ở lục địa già tăng dần kể từ giữa thập niên 80.
Các hạt siêu nhỏ trong không khí có thể phản chiếu ánh sáng trở lại vũ trụ và làm giảm lượng bức xạ mà trái đất nhận từ mặt trời. Quá trình đó khiến nhiệt độ bề mặt địa cầu giảm. Một số chất gây ô nhiễm lại có khả năng hấp thụ bức xạ mặt trời khiến nhiệt độ không khí tăng lên.