Tận dụng nệm bỏ đi trồng cây trên sa mạc
Các chuyên gia từ Đại học Sheffield, Anh đang hướng dẫn những người tị nạn tạo ra một "khu vườn sa mạc" bằng cách sử dụng bọt xốp tái chế.
Tại trại tị nạn Zaatari ở Jordan, nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Giáo sư Tony Ryan, đang tận dụng nệm giường bỏ đi để phát triển một kỹ thuật trồng cây thủy canh trên ớt, cà chua, cà tím và bạc hà. Họ gieo hạt giống vào các miếng bọt xốp, sau đó đặt chúng vào bên trong hộp chứa dung dịch dinh dưỡng.
Khi cây non phát triển, bọt xốp đóng vai trò như một giá thể - vật liệu thay thế đất - giúp giữ ẩm và tạo độ thông thoáng cho rễ cây phát triển. Ryan nói rằng kỹ thuật này có thể tạo ra những khu vườn bền vững và tiết kiệm nước, giúp hàng triệu người sinh sống tại những khu vực cằn cỗi trên thế giới duy trì nguồn cung thực phẩm sạch.
"Khu vườn sa mạc" bên trong trại tị nạn ở Jordan. (Ảnh: Đại học Sheffield).
"Những người tị nạn mà chúng tôi đào tạo giờ đây đã có thể biến dự án thành của riêng họ và tự trồng những thứ mà trước đây chúng tôi không bao giờ nghĩ có thể tồn tại được trong môi trường sa mạc bằng cách sử dụng vật liệu tái chế", Ryan nói về những người tị nạn. "Nhiều người trong số họ là những nông dân có kinh nghiệm".
Theo nhóm nghiên cứu, kỹ thuật thủy canh bằng bọt xốp không chỉ sử dụng ít nước hơn đáng kể so với nông nghiệp truyền thống (tiết kiệm tới 70 - 80% nước), mà còn sạch và có chi phí thấp hơn vì không sử dụng thuốc trừ sâu và chất điều hòa sinh dưỡng.
Bọt xốp trồng cây được tận dụng từ nệm giường bỏ đi. (Ảnh: Đại học Sheffield).
"Loại hình nông nghiệp mới đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Sẽ thật tốt nếu tất cả mọi người trong trại tị nạn học được kỹ thuật này bởi đất ở đây không phù hợp để trồng cây. Hiện tại, chúng tôi mới chỉ triển khai một dự án thí điểm, nhưng muốn làm cho nó lớn và hiệu quả hơn nữa trong tương lai", Abu Wessam, người đang sống tại Zaatari chia sẻ.
Đến nay, gần 1.000 người tị nạn đã được dạy về kỹ thuật thủy canh bằng bọt xốp. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ được đầu tư thêm 250.000 bảng (khoảng 324.000 đô la Mỹ) để cung cấp hạt giống, chất dinh dưỡng và đào tạo thêm 3.000 người tị nạn khác ở Zaatari.
- Công nghệ nuôi cá trên sa mạc đạt năng suất cao của Israel
- Trung Quốc lợi dụng mưa tuyết để trồng cây trên sa mạc