Tận thế Ragnarok từng xảy ra chứ không chỉ là thần thoại?
Các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rất có thể người Viking từng trải qua một Ragnarok, sự kiện tận thế trong thần thoại Bắc Âu.
Theo thần thoại, thế giới sẽ trải qua "Fimbulwinter" (Mùa đông vĩ đại) kéo dài 3 năm trước khi tận thế Ragnarok xảy ra. Gió tuyết thổi từ mọi hướng, nhiệt độ giảm mạnh, nạn đói, đau khổ và chiến tranh lan rộng. Ngay sau đó Ragnarok được định sẵn sẽ bắt đầu.
Ảnh minh họa sự kiện Fimbulwinter trước khi tận thế Ragnarok xảy ra - (Ảnh: Wiki).
Ragnarok thường được diễn giải như một sự kiện mang tính biểu tượng nhằm nhấn mạnh sự trỗi dậy và sụp đổ của nền văn minh nhân loại, sức mạnh của tự nhiên cũng như sự hủy diệt và tái sinh của người Bắc Âu.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới của Viện Bảo tàng quốc gia Đan Mạch cho thấy "mùa đông núi lửa" có thể là dấu hiệu của ngày tận thế và là nguồn gốc của Fimbulwinter, theo trang IFLScience ngày 3-11.
Năm 536 Công nguyên được xem là năm tồi tệ nhất trong lịch sử loài người khi mà một hoặc có thể nhiều núi lửa đã phun trào ở Bắc bán cầu. Sự kiện này đã tạo ra một "mùa đông núi lửa" bao phủ toàn cầu trong lớp tro bụi và khí sulfur, khiến ánh nắng mặt trời không thể tới mặt đất.
Cuộc sống của người dân trên khắp thế giới bị ảnh hưởng: Trung Quốc chứng kiến tuyết rơi vào mùa hè, nhiệt độ trung bình ở châu Âu giảm 2,5 độ C, Peru gặp hạn hán và bệnh dịch hạch cuối cùng đã lan đến Ai Cập vào năm 541.
"Có nhiều phỏng đoán về điều đó nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể chứng minh có lẽ thảm họa khí hậu lớn nhất trong lịch sử loài người đó đã ảnh hưởng đến Đan Mạch một cách thảm khốc", nhà nghiên cứu cấp cao Morten Fischer Mortensen, làm việc tại bảo tàng, cho biết.
Trước đây giới khoa học vẫn chưa rõ làm thế nào sự kiện khí hậu nói trên ảnh hưởng đến Đan Mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu mới về các hoạt động canh tác của Đan Mạch từ thời Đồ Đồng đến thời đại Viking đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng của nó.
Nhóm nghiên cứu đã rút ra kết luận trên nhờ kiểm tra các vòng năm trên hơn 100 mảnh gỗ sồi từ thế kỷ 6, cho thấy các cây này gần như không phát triển trong khoảng thời gian nói trên, đặc biệt là trong suốt các mùa hè từ năm 539 đến 541.
Vòng năm cho thấy những cây sồi ở thế kỷ 6 gần như không phát triển - (Ảnh: The National Museum of Denmark).
"Khi cây cối không thể phát triển thì chẳng thể trồng gì trên các cánh đồng. Trong một xã hội mà tất cả mọi người đều sống bằng nông nghiệp, đó là một hậu quả thảm khốc. Tại Na Uy và Thụy Điển, các nhà nghiên cứu tin rằng phải tới nửa dân số đã chết và không thể không tưởng tượng điều này cũng xảy ra ở Đan Mạch", ông Mortensen nói.
Các phân tích về cây trồng trong những năm tiếp theo cho thấy người dân đã phải đa dạng hóa cây trồng để đảm bảo an ninh lương thực. Việc lúa mạch đen được trồng và ngày càng phổ biến trong các thế kỷ sau đó là một minh chứng, do lúa mạch đen cần ít ánh sáng mặt trời hơn các loại ngũ cốc khác.
Tất nhiên, đây không phải bằng chứng chắc chắn cho thấy Fimbulwinter trong thần thoại là dựa trên những sự kiện này nhưng sự trùng hợp cũng rất thuyết phục.
"Thần thoại có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng cũng có thể chứa đựng tiếng vọng của sự thật từ quá khứ xa xôi. Nhiều người đã suy đoán liệu Fimbulwinter có ám chỉ đến thảm họa khí hậu vào thế kỷ 6 hay không, và giờ chúng ta có thể khẳng định rằng có sự trùng hợp tuyệt vời với những gì chúng ta có thể chứng minh về mặt khoa học", ông Mortensen kết luận.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Archaeological Science: Reports.
- Bí ẩn ngày tận thế: Sách cổ và các nhà tiên tri
- Bức thư bị mất của Isaac Newton tiết lộ dự đoán gây sốc về Ngày tận thế?
- Điểm lại những lời tiên tri đúng đến kinh hãi của nhà tiên tri Nostradamus