Tăng hiệu quả của pin năng lượng Mặt Trời bằng... âm thanh

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queen Mary và Cao đẳng Hoàng đế Luân Đôn (Anh) cho biết họ vừa phát triển một loại pin quang năng có thể tạo ra điện bằng cả ánh nắng lẫn sóng âm thanh, giúp tăng đáng kể hiệu quả của công nghệ sản xuất năng lượng Mặt Trời.


Ảnh: Discovery

Nhóm nghiên cứu sử dụng một tấm pin quang năng làm từ nhựa polymer thông thường và ép lên đó một lớp kẽm ôxít (ZnO). Khi cho loại pin này tiếp xúc đồng thời với tiếng ồn và ánh sáng Mặt Trời, họ phát hiện nó tạo ra nhiều năng lượng hơn so với việc chỉ tiếp xúc với ánh nắng. Đặc biệt, dòng điện được tạo ra càng nhiều khi các nhà khoa học sử dụng nhạc rock hay pop, được cho là do nó tiếp xúc với nhiều âm thanh tần số cao.

Các nhà khoa học giải thích kẽm ôxít là một vật liệu áp điện, nghĩa là nó tạo ra dòng điện khi bị bẻ cong hoặc vặn xoắn và ngược lại khi bị áp điện, nó sẽ vặn xoắn hoặc bẻ cong. Như vậy, khi sóng âm thanh va vào lớp kẽm ôxít, nó bẻ cong vật liệu và tạo ra dòng điện. Điều đáng ngạc nhiên là âm thanh có cường độ 75 decibel (tương đương tiếng ồn trên xa lộ hoặc trong một quán ăn đông người) có thể giúp hiệu quả sản suất điện của tấm pin tăng thêm 40%.

Tiến sĩ Steve Dunn thuộc Đại học Queen Mary cho biết, ông muốn chế tạo những tấm pin lớn hơn và hy vọng chúng được sử dụng tại những nơi có nhiều tiếng ồn lẫn ánh nắng, chẳng hạn như các nhà hàng và trạm xe lửa, để vận hành các màn hình chạy chữ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất