Tập thể dục giúp bảo vệ não, tránh trầm cảm
Tập thể dục có rất nhiều tác động tích cực lên sức khỏe của con người, bao gồm bảo vệ cơ thể khỏi stress dẫn đến trầm cảm. Tuy nhiên, cho đến nay các cơ chế làm trung gian của tác động tích cực này vẫn chưa được làm rõ.
>>> Những thời điểm tập thể dục tốt nhất
Trong một nghiên cứu mới thực hiện trên chuột, các nhà nghiên cứu tại học viện Karolinska tại Thụy Điển đã chứng minh rằng hoạt động tập luyện thể dục gây ra các biến đổi trong cơ xương (skeletal muscle), điều đó giúp thanh lọc máu khỏi một chất tích tụ trong quá trình căng thẳng, và nguy hại đối với não. Nghiên cứu được trình bày trên tạp chí Cell.
"Về các thuật ngữ sinh học thần kinh, chúng ta thực sự chưa biết trầm cảm là gì. Nghiên cứu của chúng tôi đại diện cho một mảnh trong miếng ghép, chúng tôi cung cấp một lời giải thích cho sự thay đổi hóa sinh có tính bảo vệ gây ra do tập thể dục giúp ngăn não khỏi bị tổn hại trong lúc stress", Mia Lindskog, một nhà nghiên cứu tại Khoa Khoa học thần kinh tại học viện Karolinska cho biết.
Chúng ta đã biết protein PGC-1 (đọc là PGC-1alpha1) tăng lên trong cơ xương cùng với hoạt động thể dục, và trung gian gây ra các điều kiện cơ thuận lợi trong mối liên quan với hoạt động thể chất. Trong nghiên cứu này các nhà nghiên cứu đã sự dụng chuột biến đổi gene có nồng độ PGC-1a1 trong cơ xương cao, điều đó cho thấy rất nhiều đặc tính của cơ bắp được tập luyện tốt (ngay cả khi không tập luyện).
Những con chuột này, và những con chuột bình thường, được cho tiếp xúc với một môi trường đầy áp lực, như các âm thanh, tiếng ồn lớn, các ánh đèn flash và nhịp sinh học bị đảo lộn trong các khoảng thời gian bất thường. Sau 5 tuần ở mức căng thẳng nhẹ, những con chuột bình thường đã phát triển các hành vi trầm cảm, trong khi đó những con chuột biến đổi gene (với các tính chất cơ được tập luyện tốt) không có các triệu chứng trầm cảm. "Giả thuyết nghiên cứu ban đầu của chúng tôi đó là cơ bắp được tập luyện có thể sản sinh ra một chất có tác động tích cực đối với não.Chúng tôi thực sự tìm thấy điều ngược lại: cơ bắp được tập luyện tốt sinh ra một enzyme thanh lọc cơ thể khỏi các chất có hại. Vì vậy, trong trường hợp này chức năng của cơ giống như của thận hoặc gan vậy", Jorge Ruas, nhà điều tra nghiên cứu chính tại Khoa Sinh lý học và Dược tại học viện Karolinska nói.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy chuột có nồng độ PGC-1a1 trong cơ cao hơn cũng có nồng độ enzyme có tên KAT cao hơn. KAT chuyển đổi một chất hình thành trong quá trình căng thẳng (kynurenine) thành axit kynurenic, một chất không thể truyền từ máu lên não. Chức năng chính xác của kynurenine chưa được rõ, nhưng nồng độ cao của kynurenine có thể đo được ở những bệnh nhân bị bệnh thần kinh.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu cho thấy khi những con chuột bình thường được tiêm kynurenine, chúng đã biểu hiện hành vi trầm cảm, trong khi những con chuột tăng nồng độ PGC-1a1 trong cơ không bị tác động này. Trong thực tế, những con chuột này không bao giờ có mức độ kynurenine cao trong máu từ lúc KAT enzyme có trong cơ bắp được tập luyện của chúng, kynurenine được chuyển đổi thành axit kynurenic một cách nhanh chóng, dẫn đến một cơ chế bảo vệ.
"Nghiên cứu này có thể giúp mở ra một nguyên tắc mới về thuốc điều trị trầm cảm, trong đó, chúng ta sẽ nỗ lực gây ảnh hưởng đến chức năng của cơ xương thay vì nhắm mục tiêu trực tiếp tới não. Cơ xương dường như có tác dụng giải độc, khi được kích hoạt, nó có thể giúp bảo vệ não khỏi các chấn thương và các chứng bệnh về tâm thần", Jorge Ruas nói.
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng có hơn 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi chứng bệnh này.