Tàu NASA liên lạc với Trái đất từ khoảng cách 19 tỷ km
Sau 7 tháng không thể chỉ huy với tàu Voyager 2, NASA nối lại liên lạc thông qua truyền các chỉ thị và quy trình mới cho con tàu.
Tàu thăm dò Voyager 2 phóng vào tháng 8/1977, đã bay trong vũ trụ hơn 43 năm, ghé thăm sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Nhóm nghiên cứu của NASA đã tiến hành công tác sửa chữa và cập nhật từ giữa tháng 3/2020 tại Trạm không gian sâu 43 tại Canberra, Australia. Trạm này là ăngten duy nhất trên thế giới có thể liên lạc với tàu thăm dò. Đó là do vị trí của Voyager 2 trong không gian sâu, vị trí ăngten ở Nam bán cầu và việc ăngten có thể giao tiếp với công nghệ thập niên 1970 của tàu.
Đĩa ăngten của Trạm không gian sâu 43. (Ảnh: NASA).
Các chuyên viên vận hành tiến hành những sửa chữa cần thiết đối với đĩa ăngten đường kính 70m. Một trong hai thiết bị phát sóng vô tuyến của trạm chưa được cật nhật trong suốt 47 năm qua. Vào đêm ngày 29/10, nhóm vận hành truyền một tín hiệu thử nghiệm cho tàu Voyager 2 đang bay ở không gian liên sao. Con tàu phát tín hiệu trở lại vào sáng ngày 2/11. Tàu Voyager 2 thông báo đã nhận được tín hiệu và xử lý lệnh mà chuyên viên kiểm soát nhiệm vụ gửi. Theo Brad Arnold, giám đốc dự án Mạng lưới không gian sâu ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA tại Pasadena, California, quá trình cập nhật thiết bị ở trạm sẽ hoàn thành vào tháng 2/2021.
Voyager 2 trở thành tàu vũ trụ thứ hai tiến vào không gian sâu năm 2018 sau khi tàu Voyager 1 làm được điều này vào năm 2012. Dù chuyên viên vận hành không phát lệnh cho Voyager 2 trong thời gian dài do Covid-19, họ vẫn tiếp tục nhận được dữ liệu cảm biến từ tàu thăm dò. Cả Voyager 1 và Voyager 2 đều ở phía ngoài nhật quyển, khoảng trống chứa chứa từ trường và các hạt do Mặt Trời tạo ra.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình sửa chữa, nếu có bất kỳ vấn đề nào với con tàu, NASA không có cách truyền tín hiệu đủ nhanh để điều chỉnh đường bay. Do hệ thống trên tàu Voyager 1 và 2 quá cũ, bộ nhớ của chúng ít hơn 200.000 lần so với một chiếc di động thông minh. Công nghệ lỗi thời với độ linh hoạt kém có thể trở thành rào cản cho tuổi thọ của tàu thăm dò. "Đó có thể là một trong những lý do hai con tàu tồn tại lâu như vậy, bởi chúng quá đơn giản. Bộ đôi tàu Voyager có thành tích xuất sắc. Chúng hoạt động đặc biệt bền bỉ", Suzanne Dodd, giám đốc Ban chỉ đạo Mạng lưới Liên hành tinh ở JPL, quản lý Nhiệm vụ liên sao Voyager, nhận xét.
- Giải pháp môi trường nào để ứng phó trước cơn lũ rác thải điện mặt trời sắp ập đến?
- Sự thật về thảm họa gây chết người đứng thứ 7 trong lịch sử nhưng lại ít được con người để ý đến
- Thí nghiệm tàn ác: Sát hại 15 con chó để chứng minh ma có thật, thành quả thu được thành trò cười cho giới khoa học