Tàu sân bay… sạch nhất thế giới
Tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản không phải là chiến hạm lớn nhất, nhanh nhất hay mạnh nhất nhưng nó có thể là tàu chiến… sạch nhất thế giới.
"Tôi tin rằng Kaga là tàu sạch nhất trên thế giới" – ông Hayato Nishida, người đứng đầu bộ phận chịu trách nhiệm giữ tàu Kaga sạch sẽ, khẳng định.
Người đàn ông 36 tuổi này tiết lộ tàu Kaga được 500 thành viên thủy thủ đoàn "tắm rửa" 30 phút mỗi ngày. "Chúng tôi làm vệ sinh tàu Kaga vào thời gian cố định trong ngày. Mọi người chia việc ra làm" – ông Nishida cho biết.
Một thủy thủ làm vệ sinh bệ phóng tên lửa trên tàu sân bay trực thăng Kaga. (Ảnh: Reuters).
Tàu Kaga, dài 248 m và nặng 20.000 tấn, là tàu sân bay trực thăng kiêm chiến hạm mới nhất của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF).
Để giữ được con tàu này như mới, thủy thủ đoàn phải làm vệ sinh cho nó mỗi ngày, từ chà nhà vệ sinh, lau chùi sàn, hệ thống ống dẫn và dây điện đến hút bụi các phòng khách trải thảm… Theo thủy thủ, quá trình làm vệ sinh các khu vực trần là khó khăn nhất vì chúng khó với.
Mỗi ngày, 500 thủy thủ trên tàu Kaga đều dành ra 30 phút để làm vệ sinh cho con tàu này. (Ảnh: Reuters).
"Giữ cho tàu sạch sẽ cũng có nghĩa là chúng tôi có thể sử dụng nó lâu dài. Việc làm vệ sinh cũng dạy thủy thủ cách yêu thương tàu để từ đó, họ nỗ lực làm nhiệm vụ" – Chuẩn đô đốc Tatsuya Fukuda khẳng định.
Ông Nishida cho biết họ không phân công nhiệm vụ làm vệ sinh tàu Kaga cho một nhóm cụ thể nào. Thay vào đó, nhiệm vụ chăm sóc con tàu này thuộc về tất cả mọi người. Theo ông Nishida, mục đích là cải thiện kỹ năng làm việc nhóm của các thủy thủ.
Thủy thủ lau chùi xích neo của tàu sân bay trực thăng Kaga. (Ảnh: Reuters).
Kaga, tàu sân bay trực thăng lớn thứ hai của Nhật Bản, được bắt đầu sử dụng vào năm 2017. Nhờ được chăm sóc kỹ càng mà đến thời điểm hiện tại, con tàu nặng 20.000 tấn này vẫn sạch bong và trông như mới, theo Reuters.
"Nếu tàu không sạch sẽ, thủy thủ có thể mắc bệnh. Ngoài ra, việc sống ở một nơi dơ bẩn cũng không thoải mái" - Kanayuki Morishita, một thủy thủ 21 tuổi, chia sẻ.
Sau một ngày tập luyện và làm việc mệt nhọc, 2 thủy thủ cùng nhau tắm bồn trên tàu Kaga. (Ảnh: Reuters).
Đưa rác ra ngoài là công đoạn cuối cùng và nó được thực hiện khi tàu Kaga cập cảng. Khi đó, toàn bộ thủy thủ sẽ xếp hàng và lần lượt nhặt một túi rác – vốn đã được phân chia theo loại đốt được và không đốt được – để đem đến một xe tải chở rác chờ sẵn.
"Ngay cả khi so sánh với các tàu khác của MSDF, tàu của chúng tôi vẫn là tàu sạch nhất" – Chuẩn đô đốc Fukuda khẳng định.
Hai thủy thủ luyện kiếm trên tàu Kaga. (Ảnh: Reuters)
- Quá trình chế tạo siêu tàu sân bay lớp Gerald R. Ford
- 12 tàu sân bay mới nhất thế giới: Châu Á chiếm bao nhiêu chiếc?