Tàu thăm dò sao Hỏa của Ấn Độ lên quỹ đạo 100.000 km

Tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ đã "thành công" khi lên được quỹ đạo cao hơn quanh trái đất vào sáng nay 12/11, sau thất bại vào hôm qua do trục trặc động cơ, theo AFP.

>>> Ấn Độ đã phóng thành công tàu vũ trụ lên sao Hỏa

Tàu thăm dò Mars Orbiter Mission được tên lửa đẩy PSLV-C25 đưa vào không gian hôm 5/11 qua để bắt đầu cho chuyến hành trình 400 triệu km xuyên không gian kéo dài 11 tháng đến quỹ đạo hành tinh đỏ.


Tàu Mars Orbiter Mission được tên lửa đẩy PSLV-C25 đưa vào không gian hôm 5/11 từ Trung tâm vũ trụ Sriharikota ở vịnh Bengal (Ấn Độ) - (Ảnh: AFP)

Tàu Mars Orbiter Mission nặng 1.350kg do Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) phát triển, được đưa lên vũ trụ bởi tên lửa nhỏ hơn so với các tên lửa của Mỹ hay Nga trong cùng mục đích. Do vậy, tàu sẽ bay quanh quỹ đạo trái đất trong gần một tháng để có được vận tốc cần thiết nhằm đưa nó thoát khỏi lực hấp dẫn của trái đất.

Vào hôm 12/11, tàu Mars Orbiter Mission đã hoàn thành việc nâng lên quỹ đạo có độ cao 100.000km so với mặt đất, sau khi bất thành vào hôm 11/11 do lỗi ở động cơ đẩy, AFP dẫn ISRO cho biết trong một tuyên bố.

Sứ mệnh thăm dò sao Hỏa Mars Orbiter Mission, còn gọi là Mangalyaan, chỉ tiêu tốn 73 triệu USD (khá rẻ so với con số 455 triệu USD cho việc phóng tàu đến sao Hỏa của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dự định thực hiện vào ngày 18/11 tới) nếu thành công trọn vẹn sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình khám phá vũ trụ của Ấn Độ.

Nếu đến được quỹ đạo sao Hỏa để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khí quyển nhằm tìm kiếm dấu vết của khí methane - dấu chỉ báo cho sự tồn tại của sự sống, chụp các bức ảnh màu của hành tinh đỏ, tìm xem liệu có nước trên đó hay không, được như vậy thì Mars Orbiter Mission sẽ giúp cho ngành công nghiệp vũ trụ Ấn Độ vượt trước Trung Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia lần lượt thất bại trong tham vọng đưa tàu đến sao Hỏa vào năm 2011 và 2003.

Được biết, vào năm 2008, Ấn Độ đã phóng thành công tàu Chandrayaan-1 lên quỹ đạo mặt trăng và sau đó thông báo phát hiện có sự tồn tại của nước trên "chị Hằng". Sự kiện này được New Delhi xem là niềm tự hào quốc gia.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất