Tàu thủy chạy bằng bánh lăn khổng lồ

Mẫu tàu thủy bánh lăn tiêu tốn 100.000 USD của một nhà phát minh người Pháp ở thế kỷ 19 hoạt động tệ hơn dự kiến và không ai muốn mua.

Từ năm 1892 đến năm 1893, nhà phát minh người Pháp Ernest Bazin xin cấp bằng sáng chế cho một thiết kế tàu thủy khác thường. Thay vì lướt trên mặt nước như tàu thủy thông thường, Bazin tìm cách giảm tối đa tiếp xúc với nước, nhờ đó vượt qua ma sát với một thiết kế tích hợp bánh lăn. Sau nhiều năm thử nghiệm với mô hình tàu thủy lăn có tỷ lệ bằng 1/25 kích thước thực, Bazin sẵn sàng đưa phát minh ra khơi, theo Amusing Planet.


Mẫu tàu thủy thất bại của Ernest Bazin. (Ảnh: Amusing Planet).

Vào tháng 12/1893, Bazin hợp tác với em trai ông là Marcel thành lập Societe en Participation du Navire-Express-Rouleurs Bazin, hiệp hội chuyên về phát triển tàu thủy bánh lăn. Hai năm sau, hiệp hội Nghiên cứu và khai thác tàu thủy lăn Bazin Societe Anonyme chính thức ra đời ở Paris để xúc tiến ý tưởng của Bazin. Đồng thời, quá trình xây dựng tàu thủy bánh lăn đầu tiên cũng bắt đầu ở xưởng đóng tàu Cail ở Saint-Denis.

Con tàu bao gồm sàn hình chữ nhật dài 86 m và rộng 12 m. Phần thân tàu hình chữ nhật được nâng khỏi mặt nước nhờ lực nổi của 6 bánh lăn rỗng, mỗi bánh có đường kính 12 m và dày 3,6 m. Từng cặp bánh lăn được dẫn động bởi động cơ 50 mã lực. Trong điều kiện bình thường, chúng chỉ ngập 1/3 dưới nước.

Bazin dự đoán con tàu của ông có thể đạt tốc độ khoảng 33 km/h, thậm chí 37 km/h khi chạy hết công suất. Ngược lại, một con tàu thông thường với cấu trúc và công suất tương tự chỉ có thể đạt 1/2 tốc độ đó. The Bazin, trang bị động cơ 10.000 mã lực, thiết kế tàu bánh lăn của ông có thể vận chuyển thêm 600 tấn hàng hóa ở 32 nút giao thông trên khắp Đại Tây Dương. So với nó, tàu thủy chạy bằng hơi nước vốn cần 30.000 mã lực để đạt tốc độ 37 km/h với sức chở hàng ít hơn.

Bazin cũng dự đoán thiết kế có thể tiết kiệm lượng lớn nhiên liệu, dự đoán mẫu tàu này sẽ tiêu thụ 800 tấn than đá để chạy qua Đại Tây Dương, nhỏ hơn nhiều so với mức 3.000 - 4.000 tấn mà tàu chở khách thông thường sử dụng. Nhà phát minh khẳng định con tàu sẽ tăng cường độ an toàn vì trong trường hợp va chạm, ít nhất một cặp bánh lăn sẽ không bị phá hủy, cho phép tàu tiếp tục di chuyển cho tới khi cập cảng tiếp theo.

Bazin tin chắc các thử nghiệm ở Rouen và trên sông Thames sẽ thành công. Ông đặt tên con tàu là "Ernest Bazin" theo tên chính mình và thông báo kế hoạch xây dựng một con tàu lớn hơn với 4 cặp bánh lăn cho hành trình xuyên đại dương. Tuy nhiên, khi tàu "Ernest Bazin" được thử nghiệm trên eo biển Manche, nó hoạt động kém ổn định và lì máy. Các bánh cuốn theo nhiều nước đến mức làm chậm tốc độ tàu thay vì đẩy tàu về phía trước. Trái với tốc độ 37 km/h như dự đoán, con tàu chỉ đạt tốc độ tối đa 13 km/h.

Ernest Bazin qua đời không lâu sau đó vào tháng 1/1898 với nỗi thất vọng. Cả hai hiệp hội Bazin đều giải tán cũng trong năm đó. Con tàu tiêu tốn 100.000 USD của Bazin được chào bán công khai vào năm 1899 ở Liverpool nhưng không ai hào hứng mua. Cuối cùng, con tàu bị dỡ bỏ.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất