Tàu vũ trụ Discovery đã tới Trạm vũ trụ quốc tế
Hôm qua, 17/3, tàu vũ trụ Discovery đã tới Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), mang theo bộ pin mặt trời cuối cùng nhằm giúp ISS hoạt động với năng lượng tối đa.
Hai tàu vũ trụ đã ghép nối với nhau trên bầu trời Australia khoảng 350km.
“Chào mừng tới trạm vũ trụ, Discovery. Chúng tôi vui mừng khi thấy các bạn ở đây”, Mike Fincke, thuyền trưởng ISS chào đón Discovery.
Trước khi dừng lại, chỉ huy trưởng Lee Archambault đã điều khiển Discovery quay 360 độ để các nhà du hành trên ISS có thể chụp ảnh phần thân của nó. Hơn 200 bức ảnh kỹ thuật số đã được gửi ngay về Trái đất. Các chuyên gia sẽ phân tích các hình ảnh này để phát hiện xem tàu Discovery có bị hỏng hóc gì trong quá trình phóng không. Đây là bước bắt buộc sau vụ tai nạn của tàu Columbia năm 2003. Một tấm bọt biển cách ly ở khoang nhiên liệu đã va vào cánh của Columbia trong quá trình cất cánh, khiến tàu và phi hành đoàn không thể trở về trái đất hai tuần sau đó.
Trong sứ mệnh lần này, các nhà du hành vũ trụ sẽ lắp các bộ cánh pin mặt trời, dài khoảng 35m, trên một bộ khung có lắp một bộ tản nhiệt.
Ngoài ra, Discovery cũng mang các thiết bị cần thiết cho hệ thống tái xử lý nước mới của trạm vũ trụ, gồm một máy xử lý nước tiểu và sục iot để diệt vi khuẩn. NASA muốn hệ thống này hoạt động trước khi tăng nhân sự trên ISS từ 3 lên 6 người vào cuối tháng 5 này. Hệ thống được thiết kế để chuyển nước tiểu của các nhà du hành thành nước uống. Hệ thống được đưa lên ISS vào tháng 11 năm ngoái.
Trạm vũ trụ quốc tế cũng sẽ có thành viên mới, Koichi Wakata. Anh sẽ trở thành người Nhật đầu tiên sống trên ISS, thay thế cho nhà du hành Magnus đã ở trên ISS từ tháng 11 năm ngoái.
Discovery sẽ có 8 ngày trên trạm vũ trụ và các nhà du hành trên tàu sẽ có ba lần dạo bộ ngoài không gian. So với dự kiến ban đầu, Discovery ở lại ít hơn hai ngày.
Discovery sẽ phải rời đi vào giữa tuần sau để một tàu vũ trụ của Nga có thể mang hai nhà du hành mới lên ISS. Chuyến đi dự kiến được bắt đầu vào ngày 26/3.