Tàu vũ trụ Trung Quốc phóng vật thể lạ vào không gian
Một tàu vũ trụ thử nghiệm của Trung Quốc vừa phóng vật thể lạ vào quỹ đạo, có thể là vệ tinh giám sát hoặc module hỗ trợ.
Dữ liệu từ Lực lượng Không gian Mỹ cho thấy tàu vũ trụ tái sử dụng của Trung Quốc đã thả một vật thể vào quỹ đạo. Trước đó, tàu vũ trụ này được phóng bởi tên lửa Trường Chinh 2F (Long March 2F) từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Jiuquan tại sa mạc Gobi vào ngày 4/8.
Tên lửa Long March 5B mang theo module phòng thí nghiệm Mengtian phóng ngày 31/10. (Ảnh: AP).
Theo SpaceNews, tàu vũ trụ của Trung Quốc đã vào quỹ đạo được 90 ngày. Cuối tháng 10, tàu nâng điểm quỹ đạo gần Trái Đất (perigee) để chuyển sang quỹ đạo quay gần tròn.
Cơ sở dữ liệu Space-track.org phát hiện một vật thể có quỹ đạo tương tự tàu vũ trụ vào ngày 31/10, cách tàu khoảng 200m. Thời gian phóng vật thể được dự đoán từ ngày 24-31/10.
Chưa thể phân tích chính xác vật thể được phóng là gì. Cơ quan vũ trụ Trung Quốc không cập nhật thông tin hay hình ảnh về sứ mệnh, ngoại trừ thông báo phóng tàu vũ trụ vào tháng 8.
Có khả năng vật thể là một vệ tinh nhỏ để giám sát tàu vũ trụ. Trước đây, các thành viên phi hành đoàn của Trung Quốc đã thả vệ tinh "Banxing" cho mục đích giám sát.
Trong khi đó, Jonathan McDowell, chuyên gia theo dõi vệ tinh ở Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, dự đoán đây có thể là một module hỗ trợ tàu vũ trụ.
Không có nhiều thông tin về dự án tàu vũ trụ tái sử dụng của Trung Quốc. Cơ quan vũ trụ nước này chỉ công bố 2 sứ mệnh khi đã phóng tàu lên quỹ đạo. Vào cuối tháng 10, dự án được Quỹ Khoa học Tự nhiên Trung Quốc tài trợ cấp quốc gia.
Giữa tháng 8, tài khoản Twitter CNSA Watcher chia sẻ video được cho là các mảnh vỡ từ vụ phóng tên lửa Long March 2F, được trưng bày tại một trường học ở Hà Nam (Trung Quốc).
Trung tâm Phóng Vệ tinh Jiuquan, chụp bởi vệ tinh Sentinel-2. (Ảnh: Copernicus Sentinel).
Theo Học viện Phóng Phương tiện Công nghệ Trung Quốc (CALT), dự án sẽ hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường sức mạnh hàng không vũ trụ và vận tải của Trung Quốc, mang đến giá trị thực tiễn về xã hội, công nghệ, kinh tế và các ứng dụng khác.
Hiện chưa rõ tàu vũ trụ thử nghiệm của Trung Quốc quay quanh quỹ đạo trong bao lâu. Dựa vào đợt phóng đầu tiên, tàu vũ trụ có khả năng hạ cánh xuống sa mạc Lop Nur tại Tân Cương. Theo phân tích quỹ đạo, tàu vũ trụ sẽ di chuyển qua Lop Nur khoảng 3 ngày/lần, có thể hạ cánh vào ban đêm theo giờ địa phương.
Một số dự án tàu vũ trụ, phương tiện không gian tái sử dụng khác của Trung Quốc còn bao gồm Tengyun của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), bên cạnh dự án tàu vũ trụ siêu thanh, được công ty Space Transportation huy động vốn hơn 46 triệu USD vào năm ngoái.
- Biến đổi khí hậu có thể khiến một vùng đất xa xôi trở này nơi bùng phát của đại dịch!
- Quan niệm độc nhất của người châu Âu bắt nguồn từ một vị vua: Coi người quét ống khói là "thần may mắn"
- Dòng sông ô nhiễm nặng đến mức nước chuyển vàng có thể nhìn thấy từ không gian