Tây Ban Nha nhân giống thành công loài thằn lằn lớn nhất thế giới

Năm chú rồng Komodo con vừa chào đời trong một vườn thú ở Tây Ban Nha, đánh dấu lần đầu tiên loài thằn lằn lớn nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng được nhân giống thành công ở quốc gia này trong một thập kỷ vừa qua.


Embum, một trong 5 chú rồng Komodo con vừa được sinh ra tại vườn thú Bioparc Fuengirola ở miền nam Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters).

Chia sẻ với phóng viên của Reuters, bà Milagros Robledo, trưởng bộ phận bò sát học tại vườn thú Bioparc Fuengirola ở miền nam Tây Ban Nha vui mừng cho biết: “Đây là một thành tựu tuyệt vời cho tất cả chúng ta”.

Mẹ của 5 chú rồng này có tên là Ora, một rồng Komodo cái 13 năm tuổi. Tháng 8/2022, Ora đã đẻ một lứa trứng gồm 12 quả, 5 quả trứng trong số đó được lựa chọn để ấp nhân tạo trong vòng 7 tháng.

“Đó là một nhiệm vụ tuyệt vời, tuy tẻ nhạt và tốn thời gian nhưng lại khiến chúng tôi vô cùng hài lòng”, bà Robledo nói, đồng thời cho biết thêm những con non mới nở mở ra “một tương lai đầy hy vọng” cho loài này.


Juanito, một trong 5 chú rồng Komodo con vừa được sinh ra tại vườn thú Bioparc Fuengirola ở miền nam Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters).

Mặc dù vào thời điểm mới sinh, rồng Komodo có trọng lượng nhẹ hơn một quả chanh và kích thước ngắn hơn hộp giày, nhưng một ngày nào đó, loài bò sát nhỏ bé này có thể đạt chiều dài gần 3m và nặng tới 70kg, với hàm răng sắc nhọn và vết cắn có nọc độc.

Năm 2021, loài thằn lằn có nguồn gốc từ 4 hòn đảo của Indonesia này đã được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt vào “Sách đỏ”, vì chỉ còn khoảng 1.500 cá thể tồn tại trong các môi trường sống đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.

Bà Robledo cho biết, trong môi trường tự nhiên, rồng Komodo mới sinh có xu hướng di chuyển lên ngọn cây và không cần sự chăm sóc của rồng mẹ hay rồng bố. Nhưng trong điều kiện nuôi nhốt, rồng con được bố trí sống ở các hồ cạn riêng biệt để các nhân viên thú y có thể theo dõi sự phát triển của chúng.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất