Tế bào gốc phôi, biệt hóa thành 3 loại tế bào tim
Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia mới đây đã thành công trong việc biến đổi tế bào gốc phôi người thành ba dạng tế bào cơ tim.
Khi được cấy ghép vào chuột, những tế bào này cũng có thể tăng cường chức năng tim. Thành tựu mang lại rất nhiều triển vọng, đáng kể nhất là việc ứng dụng các tế bào nói trên trong thử nghiệm dược phẩm.
Tác giả chính của bài báo được đăng trên Tạp chí Nature, phát hành vào tháng 4 (2008), Gordon Keller, cho biết: “Hiện chúng ta đã có nguồn cung cấp tế bào tim (người) phục vụ cho các công ty dược phẩm và công nghệ sinh học, nhằm thử nghiệm hiệu quả hoặc độc tính của dược phẩm. Chúng ta không hề gặp phải một trở ngại nào khi bắt tay tiến hành những thí nghiệm như thế”.
Các nhà nghiên cứu cũng có thể sử dụng tế bào tim được biệt hóa từ tế bào gốc phôi để tạo mô tim nhân tạo có khả năng cấy ghép vào tim thật của người.
Keller – giám đốc Trung tâm y học tái sinh McEwen thuộc đại học Health Network tại Toronto – cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa chắc chắn về việc tế bào được đưa trực tiếp vào tim sẽ phát triển như thế nào. Nhưng chúng tôi có một ưu thế rất lớn, chính là các tế bào tiền thân (progenitor cell) độc nhất vô nhị này có thể tạo ra ba loại tế bào cơ tim quan trọng, do đó chúng tôi hy vọng có thể nuôi cấy các tế bào này nhằm tạo mô tim nhân tạo, sau đó cấy các mô nhân tạo kích cỡ nhỏ này và ghép chúng vào tim, điều này hy vọng có vẻ hữu hiệu hơn so với việc cấy tế bào.”
Phòng thí nghiệm của Keller trước đó đã thành công trong việc tạo tế bào tim từ tế bào phôi chuột. Trong nghiên cứu này, họ áp dụng quy tắc tương tự: ứng dụng yếu tố đặc biệt thúc đẩy quá trình phát triển trong các giai đoạn khác nhau, chỉ khác là thực hiện trên tế bào gốc phôi người.
Paul Sanberg – giám đốc Trung tâm lão hóa và khôi phục não thuộc trường Y đại học South Florida (Tampa) – phát biểu: “Các phương pháp khác nhau có thể tạo ra các loại tế bào tim khác nhau”.
Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể tách tế bào tim tiền thân sau đó biệt hóa chúng thành ba loại tế bào tim khác nhau, được gọi là cardiomyocyte có chức năng của cơ tim.
Keller giải thích: “Hiện chúng tôi đã có trong tay một loại tế bào tiền thân – progenitor cell(i), mặc dù không có tiềm năng phát triển như tế bào gốc phôi, những vẫn có thể tạo ra ba loại tế bào tim chính. Khi chúng tôi cách ly chúng, chúng tôi có thể điều chỉnh chúng thành tế bào tim đập hoặc loại tế bào tim khác dễ dàng hơn. Công việc này trở nên khó khăn hơn nhiều, nếu không cách ly các tế bào”.
Cũng như khi cấy ghép, các tế bào này không hình thành khối u, trong khi đây là hiện tượng thường xảy ra khi một nhóm tế bào bị pha trộn. Cũng theo Keller, “thực chất, chúng tôi đã tách tế bào tim người ở giai đoạn phát triển sớm nhất, nên chúng tôi nghĩ có thể kiểm soát chúng dễ dàng hơn so với tế bào gốc phôi”.
Kết quả thu được sẽ giúp các nhà nghiên cứu nắm rõ hơn về quá trình phát triển của tim trong cơ thể người, nhưng các ứng dụng liệu pháp vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại.
Sanberg cho biết: “Quan trọng là chúng ta phải hiểu sinh học cơ bản. Nhưng phải một thời gian nữa kỹ thuật này mới xuất hiện nơi bệnh viện”.
Nguồn: Tiến sĩ Gordon Keller kiêm giám đốc Trung tâm Y học tái sinh McEwen, Đại học Health Network, Toronto; Tiến sĩ Paul R. Sanberg kiêm giám đốc Trung tâm Lão hóa và khôi phục não, trường Y, đại học South Florida, Tampa; ngày 24 tháng 4 năm 2008, tờ Nature.
Ghi chú:
(i)Progenitor cell: Tế bào tiền thân: rất dễ nhầm lẫn với tế bào gốc, đây là tế bào sinh ra từ tế bào gốc chỉ có duy nhất khả năng biệt hóa nhưng không thể tự làm mới. Ngược lại, tế bào gốc có khả năng tự làm mới (tạo thêm nhiều tế bào gốc nhờ phân chia) hoặc có thể biệt hóa (nhờ quá trình phân chia tế bào, mỗi lần như thế lại tạo ra nhiều loại tế bào khác nhau trong cơ thể). Tế bào tiền thân thường bị hạn chế trong khoảng một vài dạng tế bào biệt hóa nhất định so với tế bào gốc. Theo thuật ngữ khoa học, tế bào tiền thân chuyên biệt hơn tế bào gốc. (Tiến sĩ Trần Mạnh Hùng chú giải)