Tê giác Sumatra hiếm hoi ra đời mang lại hy vọng cho loài có nguy cơ tuyệt chủng
Bộ Môi trường Indonesia hôm 29-3 cho biết một con tê giác Sumatra quý hiếm vừa được sinh ra thành công trong một khu bảo tồn ở nước này, mang lại hy vọng đối với hoạt động bảo tồn các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo hãng tin AFP, con tê giác cái có tên là Rosa đã sinh con vào ngày 24-3 tại Vườn Quốc gia Way Kambas ở Sumatra (Indonesia), sau khi bị sẩy thai 8 lần kể từ năm 2005, khi nó được đưa về từ môi trường tự nhiên để nhân giống.
“Sự ra đời của con tê giác Sumatra này là một tin vui trong bối cảnh chính phủ và các đối tác đang nỗ lực gia tăng số lượng loài tê giác quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng này” - ông Wiratno, một quan chức cấp cao của Bộ Môi trường Indonesia, cho biết.
Con tê giác vừa được sinh ra, vẫn chưa được đặt tên, đã nâng số tê giác Sumatra có trong khu bảo tồn Way Kambas lên 8 con.
Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) ước tính có ít hơn 80 con tê giác Sumatra còn lại trên toàn thế giới, chủ yếu ở đảo Sumatra và Borneo của Indonesia.
Con tê giác Sumatra con vừa được sinh ra hôm 24-3 và vẫn chưa được đặt tên. (Ảnh: AFP)
Trường hợp một con tê giác Sumatra cái sinh con thành công rất hiếm. Cha của con tê giác con, tên là Andatu, là con tê giác Sumatra đầu tiên được sinh ra trong một khu bảo tồn sau hơn 120 năm.
Tê giác Sumatra, loài tê giác nhỏ nhất trong số các loài tê giác, được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân loại vào động vật có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ nguy cấp.
Những mối đe dọa từ nạn săn trộm và sự biến đổi khí hậu đã đưa loài tê giác này đến bờ vực tuyệt chủng. Ngoài ra, sừng tê giác Sumatra còn là mặt hàng thường được buôn bán bất hợp pháp để chế tạo các loại thuốc cổ truyền Trung Quốc.
Bên cạnh tê giác Sumattra, tê giác Java cũng là một loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng cực kỳ nguy cấp khác mà Indonesia đang nỗ lực hết sức để bảo vệ.
Từng có số lượng lên đến hàng nghìn con trên khắp Đông Nam Á, loài tê giác Java hiện chỉ còn chưa đến 80 con, sống chủ yếu ở một công viên quốc gia trên đảo Java của Indonesia.
Những nỗ lực để bảo tồn loài tê giác này cũng đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn với sự ra đời của 5 con tê giác con vào năm ngoái ở Vườn Quốc gia Ujung Kulon, Indonesia.
- Nosewalker - Loài động vật kì lạ nhất Trái đất, dù có chân nhưng lại dùng mũi để di chuyển
- Loài bồ câu quý hiếm có vẻ ngoài giống như người ngoài hành tinh
- Thót tim khoảnh khắc rắn bất ngờ lao ra tấn công nhóm người leo núi