Tên lửa SpaceX tạo ra dấu gạch nối kỳ lạ trên bầu trời
Một nhiếp ảnh gia chia sẻ vệt gạch nối phát sáng giữa bầu trời đêm phía trên Arizona sau khi một phần tên lửa Falcon 9 rơi trở lại Trái đất.
Những bức ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ ghi lại vệt gạch nối hoàn hảo mà tên lửa SpaceX tạo ra ở Arizona. Hình ảnh mới là một nhắc nhở về lịch trình phóng tên lửa dồn dập của công ty, Live Science hôm 3/4 đưa tin.
Vệt sáng cách quãng tạo bởi tầng thứ hai của tên lửa Falcon 9 rơi xuống Trái đất. (Ảnh: Jeremy Perez).
Hôm 30/3, SpaceX phóng hai tên lửa Falcon 9 trong thời gian cách nhau chưa đến 4 giờ. Tên lửa đầu tiên chở vệ tinh viễn thông Eutelsat 36D, cất cánh vào 17h52 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy (KSC) ở Florida. Tên lửa thứ hai mang theo 23 vệ tinh Starlink của công ty, phóng từ Trung tâm lực lượng không gian Cape Canaveral kế bên KSC, vào 21h30 cùng ngày theo giờ địa phương.
Sau khi giải phóng khối hàng, tầng thứ hai của tên lửa, bộ phận chính tách ra từ tầng đẩy tái sử dụng của tên lửa, rời khỏi quỹ đạo, rơi xuống Trái đất và bốc cháy ở tầng thượng quyển của hành tinh. Ban đầu, nhiếp ảnh gia Jeremy Perez lên kế hoạch chụp quá trình giảm tốc và hồi quyển của tên lửa đầu tiên từ địa điểm gần nhà riêng ở Flagstaff, Arizona nhưng không thành do mây quá dày. Nhưng khi tên lửa thứ hai bắt đầu thao tác tương tự, bầu trời trở nên quang đãng và Perez thu được hình ảnh đẹp mắt của mảnh tên lửa rơi xuống Trái đất.
Trong bức ảnh mới, Perez kết hợp nhiều ảnh phơi sáng dài của tầng thứ hai bốc cháy khi nó bay trên cao. Những khoảng trống giữa vệt sáng đại diện các điểm màn trập của máy ảnh đóng. Trong thời gian thực, sự kiện trông rất khác. Perez mô tả nó trông như một cánh hoa bồ công anh mỏng manh trôi nổi trong không trung. Ánh sáng cũng có màu trắng trong thực tế thay vì màu xanh dương nhạt như trong ảnh. Ở phiên bản phóng to của bức ảnh, có thể thấy một vệt dài thứ hai mờ hơn ở bên cạnh mảnh rác vũ trụ rơi xuống. Đó là ánh sáng phát ra từ vệ tinh mà tên lửa triển khai, bay cùng nó trước khi bắt đầu thao tác cuối cùng.
Hôm 1/4, một tên lửa Falcon 9 cất cánh từ Căn cứ lực lượng không gian Vandenburg ở California, sau đó triển khai thêm 22 vệ tinh Starlink trên quỹ đạo. Công ty cũng lên kế hoạch phóng thêm hai tên lửa Falcon 9 hôm 5/4 và 7/4 để đưa vệ tinh vào không gian. Số vụ phóng tên lửa SpacX ngày càng tăng kéo theo khả năng người dân trông thấy vật chất rời quỹ đạo hoặc hiện tượng khác do tên lửa rơi xuống gây ra cũng tăng theo, chẳng hạn những vòng xoáy ánh sáng tạo bởi nhiên liệu tên lửa đông lạnh từ tầng đẩy của Falcon 9.
Ví dụ, hôm 4/3, một trong những vòng xoáy như vậy thậm chí sáng hơn cả cực quang trong thời gian ngắn ở nhiều nơi tại Bắc Cực. Tên lửa Falcon 9 có thể quan sát ở cách xa hàng kilomet khi chúng bay vào không trung và đôi khi tạo ra lỗ thủng trong tầng thượng lưu, để lại vệt sáng màu đỏ rực giống cực quang.
- Vệt sáng đỏ rực hình lá cờ ở trung tâm dải Ngân Hà
- Trùng hợp kinh ngạc giữa vệt sáng trên Mặt trời và UFO
- Bức xạ khổng lồ phóng ra sau khi lỗ đen "nuốt" gọn một hành tinh