Thái Bình Dương có 3 cơn bão cùng lúc, trong đó 1 trận cuồng phong rất mạnh sắp tấn công quốc gia châu Á
Ba cơn bão được đặt tên đang xoáy qua Bắc Thái Bình Dương, trong đó có 1 cơn dự kiến sẽ gây tác động nghiêm trọng khi đổ bộ, Washington Post (Mỹ) thông tin cách đây vài giờ.
Trong số 3 cơn bão - Gilma, Hector và Shanshan - thì Shanshan là cơn bão mạnh nhất. Sau khi tăng tốc sức mạnh nhanh chóng, Shanshan có thể tấn công quốc gia châu Á là Nhật Bản với cấp độ bão cấp 2 theo thang đo bão phương Tây.
Hình ảnh vệ tinh của 3 cơn bão vùng Bắc Thái Bình Dương. (Nguồn: NOAA).
Dự báo, hầu như toàn bộ quần đảo Nhật Bản sẽ bị Shanshan tàn phá, riêng các tỉnh ở Shikoku và Kyushu sẽ phải gánh chịu sức gió mạnh, mưa lớn và sóng biển dâng.
Các chuyên gia khí tượng của Washington Post sẽ phân tích cụ thể sức mạnh của 3 cơn bão đang vần vũ phía trên Bắc Thái Bình Dương.
Cuồng phong Shanshan
Hiện tại Shanshan đang cách quần đảo Ryukyu (tây nam Nhật Bản) vài trăm km về phía đông. Sức gió tối đa của nó gần 169km/giờ, tương đương với bão cấp 2 theo Thang bão Saffir–Simpson.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, Shanshan có thể tăng tốc sức mạnh để lên bão cấp 3 với sức gió 209km/giờ trong ngày 27/8 này. Bão sẽ di chuyển theo hướng tây-tây bắc về phía Kyushu, hòn đảo cực tây nam của Nhật Bản, có khả năng đổ bộ vào đất liền với sức gió dữ dội tương đương cấp 2 vào cuối ngày 28/8.
Khi Shanshan đổ bộ vào đất liền vào giữa tuần, gió có thể mạnh tới 193km/giờ ở vùng cực nam Nhật Bản, cùng với lượng mưa từ 381mm đến 635mm dọc theo bờ biển phía nam của các tỉnh Shikoku và Kyushu. Một trận mưa như trút nước và gió mạnh có thể sẽ xảy ra ở Tokyo.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, trong số các khu vực mà cơn bão sẽ đi qua sẽ có mưa lớn với lượng mưa trên 500 mm trong vòng 24 giờ tại tỉnh Miyazaki trên đảo Kyushu ở phía tây nam.
Đường đi dự kiến của bão cuồng phong Shanshan. (Nguồn: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản).
Trung tâm Cảnh báo Bão chung (JTWC) và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ước tính tốc độ gió mạnh nhất liên tục của bão là 139 đến 148km/giờ khi nó đổ bộ vào tỉnh Kagoshima ở mũi phía nam của Đảo Kyushu, Nhật Bản.
Các nhà dự báo thời tiết tại Nhật Bản cho biết, Shanshan có thể tấn công vào phía tây nam nước này với sức gió tàn phá và mưa như trút nước. Họ đang kêu gọi người dân cảnh giác cao độ, NHK đưa tin cách đây 2 giờ.
Japan Airlines cho biết họ sẽ hủy hơn 120 chuyến bay vào ngày 27 và 28/8, chủ yếu đến và đi từ các sân bay ở phía Nam Kyushu.
Một quan chức tổ chức họp báo về bão Shanshan tại Cơ quan Khí tượng Nhật Bản ở Tokyo vào ngày 26 tháng 8 năm 2024. (Ảnh: Kyodo).
Đường đi và cường độ dự báo của bão Shanshan tương tự như một số cơn bão nhiệt đới đáng chú ý đã ảnh hưởng đến Nhật Bản trong nhiều năm gần đây.
Gần đây nhất, cuồng phong Nanmadol đã mang theo gió tương đương cấp 3 theo Thang bão Saffir–Simpson và mưa như trút nước đến phía nam đảo Kyushu. Theo tổ chức bảo hiểm PERILS, tổn thất được bảo hiểm từ bão Nanmadol không vượt quá 1 tỷ đô la Mỹ.
Năm 2005, siêu bão Nabi đổ bộ vào miền nam Nhật Bản. Nabi đã đi qua các đảo của tỉnh Kagoshima với sức mạnh tương đương siêu bão cấp 4 trước khi suy yếu và đổ bộ lần thứ hai với sức gió mạnh nhất duy trì khoảng 145 km/giờ.
Bão Gilma
Bão Gilma cách Hilo, quần đảo Hawaii khoảng 2.027 km về phía đông và đang di chuyển về phía tây với tốc độ 14,4km/giờ. Gilma đã trải qua nhiều đợt tăng cường sức mạnh nhanh chóng, đạt đỉnh là siêu bão cấp 4 theo Thang bão Saffir–Simpson vào ngày 25/8. Hiện tại nó là bão cấp 2 với sức gió lên tới 161km/giờ.
Gilma vẫn chủ yếu vẫn đang hoạt động trên vùng biển của Bắc Thái Bình Dương. Nó sẽ tiếp tục di chuyển về phía tây và sẽ yếu dần, nhưng dự kiến sẽ mang theo mưa lớn và gió mạnh khi tàn dư của nó xoáy qua quần đảo Hawaii từ ngày 30 và 31/8 tới.
Bão nhiệt đới Hector
Bão nhiệt đới Hector đang theo sau Gilma và có sức gió 80km/giờ. Hector cách mũi phía nam của Bán đảo Baja (của Mexico) 1.738 km về phía tây-tây nam nhưng không có khả năng trở thành bão mạnh.
Do gặp phải các cản trở từ trên cao (gió đứt) và dưới nước (nước biển mát) nên Hector chỉ có thể tiếp tục di chuyển về phía tây trong vài ngày trước khi tan biến trên biển.
- Tốc độ của máy bay chạy trên đường băng là bao nhiêu?
- Nhìn thấy thứ này trên lá cây nhà bạn, đừng chạm vào!
- Tại sao các nước châu Âu và châu Mỹ hiếm khi ăn cá nước ngọt?