Thảm kịch khiến máy bay lao xuống biển làm thay đổi ngành hàng không

Trên độ cao 10.000 mét so với mực nước biển, 2 phi công của chiếc máy bay hiện đại MD-11 đang gặp khủng hoảng. Khói nghi ngút khắp buồng lái, radar liên lạc đã bị ngắt kết nối hoàn toàn. Chiếc máy bay chở theo 215 hành khách và 14 thành viên phi hành đoàn lao thẳng xuống vùng biển Đại Tây Dương. Không một ai sống sốt.

Đây là chuyến bay mang số hiệu 111 của hãng hàng không Swissair - một trong những vụ tai nạn hàng không kinh hoàng nhất được ghi lại trong lịch sử.

Chuyến bay 111

Ngày 2/9/1998, cơ trưởng Urs Zimmermann (50 tuổi) - một cựu phi công chiến đấu của Lực lượng Không quân Thụy Sĩ - cùng cơ phó Stefan Löw điều khiển chiếc máy bay thương mại MD-11 từ thành phố New York đến Geneva, Thụy Sĩ.


Chuyến bay 111 bay qua vùng biển quốc tế - nơi không có nhiều khoảng đất liền để hạ cánh khẩn cấp. (Ảnh: GCmaps)

Chuyến bay cất cánh suôn sẻ từ New York lúc 20:18. Thế nhưng ngay khi máy bay đạt độ cao 10.100 mét, một điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra trong buồng lái. Cơ trưởng Urs Zimmermann nhận thấy có mùi lạ phả ra từ hệ thống điều hòa trong khi điều hòa trên cabin hành khách vẫn hoạt động bình thường.

4 phút sau, mùi lạ bắt đầu lan tỏa rất mạnh trong buồng lái cùng một làn khói trắng. Giờ thì cơ trưởng đã nhận ra, trên máy bay của ông đang có một vụ cháy.

Zimmermann lập tức gọi cho cơ quan kiểm soát không lưu để báo cáo về trường hợp khẩn cấp. Thời khắc ngọn lửa xuất hiện cũng là lúc chiếc đồng hồ của tử thần bắt đầu bấm giờ. Phi hành đoàn chỉ có một khoảng thời gian ngắn ngủi đề hạ cánh trước khi ngọn lửa lan ra khắp máy bay. Chuyến bay 111 được điều hướng hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Halifax Stanfield (Canada), cách đó hơn 100km.


Máy bay rơi xuống Đại Tây Dương sau khi mất liên lạc với radar, 6 phút cuối cùng của chuyến bay hoàn toàn không được ghi lại - (Ảnh minh họa (phục dựng lại trong phim tài liệu): TheFlightChannel).

Chỉ 4 phút sau, máy bay đã đi được một nửa quãng đường đến điểm hạ cánh khẩn cấp. Phi hành đoàn yêu cầu kéo dài thời gian bay để hạ dần độ cao và xả bớt nhiên liệu.

Đáng nói là trong khoảng thời gian này, các phi công đã tắt nguồn điện trong khoang máy bay, và các quạt thông gió trên trần máy bay - việc làm vô tình biến khoảng không trên trần máy bay thành một ống hút. Lửa nhanh chóng lan vào buồng lái, nhiều bộ phận của buồng lái lập tức ngừng hoạt động, bao gồm cả chế độ tự lái và màn hình quan sát của phi công.

Chiếc DC-11 đã hoàn toàn mất kiểm soát. Phi hành đoàn phát tín hiệu "Mayday" - tín hiệu báo cáo mối nguy khẩn cấp đe dọa đến tính mạng - rồi bị ngắt kết nối. Chiếc máy bay rơi thẳng xuống Đại Tây Dương lúc 22:31 với tốc độ 555 km/h, vỡ thành hàng triệu mảnh trong chưa đầy 1 giây.

Thảm kịch thay đổi ngành hàng không

Thảm họa trên chuyến bay 111 của hãng Swissair đã khiến 219 người thiệt mạng. Chỉ có 1 nạn nhân có thể nhận dạng bằng mắt trong khi những người còn lại phải sử dụng DNA, dấu vân tay, dấu răng gia đình cung cấp để xác định danh tính. Đây được coi là ca nhận dạng DNA lớn và phức tạp nhất trong lịch sử Canada.

Ủy ban An toàn Giao thông Canada (TSB) đã vào cuộc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Kết quả cho thấy ngọn lửa bắt đầu từ hệ thống dây điện phía trên buồng lái, nhanh chóng lan rộng làm hư hại nhiều bộ phận của máy bay. Các màn hình trong buồng lái bị hỏng dẫn tới việc phi công phải mò mẫm điều khiển khi không có sự quan sát, máy bay lạc hướng và đâm xuống Đại Tây Dương.

Máy bay cũng không có hệ thống phát hiện và dập lửa nên phi hành đoàn phải dựa vào mùi để nhận ra sự cố, khi sự cố đã rất nghiêm trọng.


Buồng lái chiếc máy bay DC-11 được trục vớt. (Ảnh: THE CANADIAN PRESS/Andrew Vaughan).

TSB kết luận rằng nguyên nhân chính của vụ tai nạn là do: Tiêu chuẩn chống cháy đối với vật liệu máy bay không thỏa đáng.

Sau thảm kịch trên chuyến bay 111, nhiều khuyến nghị được đưa ra để thay đổi tiêu chuẩn vật liệu máy bay, hệ thống điện và hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyến bay. Những khuyến nghị này dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong các tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang (FAA) khi sản xuất máy bay, thay đổi cả bức tranh an toàn của ngành hàng không dân dụng trên toàn thế giới.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất