"Thành phố bạch tuộc" dưới đáy biển Australia

Thành phố Octlantis dưới nước ở vùng biển Australia là nơi những con bạch tuộc sống quần cư nhưng giới nghiên cứu chưa thể lý giải cách nó hình thành.

Các nhà khoa học phát hiện một thành phố bạch tuộc nhỏ có tên Octlantis ở vịnh Jervis thuộc vùng ven biển phía đông Australia, Science Alert hôm 19/9 đưa tin. Phát hiện này cho thấy các thành viên thuộc loài bạch tuộc gloomy (Octopus tetricus) có thể không phải sinh vật sống tách biệt và đơn độc như quan niệm trước đây.


Các nhà sinh vật học ghi hình thành phố bạch tuộc. (Video: YouTube).

Octlantis bao gồm nhiều hang hốc xây từ các đụn cát và vỏ sò, là ngôi nhà của 15 cá thể, theo các nhà sinh vật học hải dương. Họ dành suốt 10 tiếng để quay phim thành phố bạch tuộc nằm ở độ sâu 10 - 15m dưới nước và có kích thước 18 x 4 mét. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hành vi và Sinh lý học của Động vật biển và nước ngọt.

Nhóm nghiên cứu quốc tế chứng kiến những con bạch tuộc gặp gỡ, sống cùng nhau, giao tiếp với nhau, đuổi một số vị khách không mời và thậm chí xua đồng loại khỏi hang. Dường như Octlantis không phải một nơi dễ sống.

"Những hành vi này là sản phẩm của chọn lọc tự nhiên, và đặc biệt giống với hành vi xã hội phức tạp của động vật có xương sống. Điều này chỉ ra khi gặp điều kiện phù hợp, sự tiến hóa có thể tạo ra những kết quả tương đồng ở các tổ chức sinh vật đa dạng", David Scheel, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Alaska Pacific cho biết.

Thành phố bạch tuộc mới nằm rất gần một địa điểm tương tự khác được phát hiện năm 2009 tên Octopolis. Tại đó, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhiều mảnh vỏ của con mồi bị ăn thịt nằm rải rác xung quanh thành phố, thậm chí được tận dụng để xây thành hang.


Thông thường, bạch tuộc chỉ gặp gỡ nhau để giao phối, sau đó lại tách ra.

Cả hai địa điểm giúp chứng minh bạch tuộc Octopus tetricus không sống đơn độc. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chưa rõ những thành phố bạch tuộc nhỏ có phổ biến không hay chúng hình thành như thế nào.

Octopolis dường như bao quanh một đồ vật nhân tạo chưa xác định dài khoảng 30cm nhưng không có vật thể nào tương tự ở Octlantis. Các nhà nghiên cứu suy đoán lúc đầu những phiến đá nhô ra có thể hấp dẫn bạch tuộc tới khu vực. Hai thành phố cũng có nguồn thức ăn dồi dào nhưng cũng thu hút động vật ăn thịt.

Thông thường, bạch tuộc chỉ gặp gỡ nhau để giao phối, sau đó lại tách ra. Nhưng các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ tại sao chúng quyết định sống chung với nhau ở những thành phố như Oclantis.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất