Thành phố cô đơn ở Trung Quốc với bốn bề là vùng đất hoang vu và bí hiểm nhất hành tinh
Khi nói đến khu vực cô đơn nhất, nhiều người liền nghĩ ngay đến sa mạc Sahara - nơi hoang vắng và thậm chí còn rất dễ lạc đường "một đi không trở lại".
Bản thân Sahara là sa mạc lớn nhất thế giới nên cô đơn cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng ở Trung Quốc có một nơi mang tiếng là thành phố nhưng "cô đơn" không thua gì sa mạc. Đó chính là thành phố Mang Nhai thuộc Châu tự trị dân tộc Mông Cổ và dân tộc Tạng Hải Tây (Thanh Hải, Trung Quốc).
Thành phố Mang Nhai.
Vị trí địa lý
Nói về thành phố Mang Nhai cô đơn, chúng ta phải bắt đầu từ vị trí địa lý.
Trung Quốc có 4 khu vực hoang vắng không có người sinh sống và thành phố Mang Nhai đã sở hữu 3 trong số đó.
- Phía Bắc của Mang Nhai là vùng đất vắng người với những câu chuyện kỳ bí Lop Nur (La Bố Bạc).
- Phía Tây là núi Altun (A Nhĩ Kim Sơn) nổi tiếng, phân tách phần phía đông của lòng chảo Tarim với cao nguyên Thanh - Tạng.
- Phía Nam là nơi không có người ở, Khả Khả Tây Lý, một khu vực bị cô lập ở phía Tây bắc Thanh Hải - Thanh Tạng.
- Thậm chí phía đông giáp với bồn địa Qaidam cũng không thể tiếp cận được.
Nơi cách Mang Nhai gần nhất cũng xa đến 200km.
Có thể nói, nếu xuất phát từ thành phố Mang Nhai, dù đi hướng nào, bạn đều lạc lối khi đối diện với những nơi được xem là hoang vu và huyền bí nhất Trung Quốc, thậm chí là hành tinh. Nơi cách Mang Nhai gần nhất cũng xa đến 200km, là một thách thức đối với những ai muốn khám phá và mạo hiểm.
Diện tích và dân số
Thành phố Mang Nhai được bao bọc kín mít bởi những vùng đất không người, với tổng diện tích 49.900km2, nhưng dân số chỉ có 63.000 người. Diện tích của Mang Nhai chỉ bằng một nửa diện tích của tỉnh Giang Tô nhưng dân số của tỉnh này nhiều hơn gấp 1.350 lần.
Người dân sinh sống ở thành phố Mang Nhai có chỉ số hạnh phúc rất cao.
Nền kinh tế của thành phố phụ thuộc vào ngành khai mỏ. Toàn thành phố được chia thành hai trấn: Hoa Thổ Câu trấn và Mang Nhai trấn, thêm một huyện là Ca Tư.
Tuy nhiên, người dân sinh sống ở thành phố Mang Nhai có chỉ số hạnh phúc rất cao. Bạn hỏi vì sao con người ta lại thấy hạnh phúc ở thành phố quạnh hiu này ư?
Đơn giản là vì họ giàu có bởi ngành khai thác mỏ khoáng sản.
Khu vực khai thác khoáng sản ở Mang Nhai.
Mặc dù xung quanh hoang vu, nhưng trung tâm thành phố vẫn khá nhộn nhịp. Người dân nơi đây hầu như thỏa mãn với những gì mình đang có, thích chiêm nghiệm cuộc sống hơn bon chen với đời. Có lẽ vì ít va chạm, ít thị phi như những thành phố phồn hoa khác, nên họ dĩ nhiên ít phiền muộn và tranh đấu hơn. Theo đó, họ sống hạnh phúc cũng là điều dễ hiểu.
Khí hậu
Thành phố Mang Nhai có khí hậu lục địa cao nguyên, với nhiệt độ trung bình hàng năm thấp chỉ 4 độ C và lượng mưa hàng năm đạt 47,8mm, dẫn đến thời tiết khô hanh và lạnh. Đó là còn chưa kể đến những loại thời tiết cực đoan như bão cát...
Mang Nhai hoang vu nhưng là thánh địa du lịch vì sở hữu những "bảo vật" của tự nhiên
Đến thành phố Mang Nhai, bạn chỉ có thể đi bằng xe hơi theo Quốc lộ 315.
Đây cũng xem là "quốc lộ đơn độc nhất" Trung Quốc, đâm xuyên qua sa mạc Gobi và những vùng đất đồng không mông quạnh, nơi mà tiếng chim kêu cũng là điều xa xỉ. Thế nhưng phong cảnh dọc đường lại đẹp đến mức khiến bạn cảm thấy như bước vào thế giới khác, mông lung và không chân thực.
Trong số đó phải kể đến hồ muối nhân tạo như tuyệt tác của tự nhiên - hồ Phỉ Thúy Mang Nhai.
Hồ muối Phỉ Thúy Mang Nhai.
Hồ muối này là cụm những hồ nhỏ hơn kết nối lại với nhau. Chúng có chiều rộng và độ sâu khác nhau, mang dáng hình vô cùng độc đáo.
Vào tháng 7, hồ Phỉ Thúy Mang Nhai hiện lên như một bức tranh sơn dầu khổng lồ lộng lẫy, tựa như viên ngọc lục bảo rơi trên sa mạc Gobi rộng lớn, thu hút lượng lớn du khách lái xe đến chụp ảnh.
Hồ Phỉ Thúy Mang Nhai là một hồ muối magie sulfat nhân tạo lớn thứ ba ở tỉnh Thanh Hải, có diện tích hơn 26km2. Nơi đây tạo ra kali, magie, liti và các nguyên tố chất lượng cao khác. Do lớp muối được xen kẽ bởi nước hồ có màu xanh lục nhạt, xanh lục bảo và xanh lam đậm, trong suốt như pha lê, cộng thêm màu phản chiếu của bầu trời trên cao, nên cả hồ muối có màu xanh phát sáng. Từ đó, hồ muối mới có tên Phỉ Thúy.
Khi yên tĩnh, bạn sẽ cảm thấy nơi đây chỉ đơn giản là một tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc hoàn hảo. Đến khi gió thổi qua, mặt hồ gợn sóng lăn tăn, giống như một phần bức tranh phong cảnh sông nước Giang Nam không hoàn hảo, nhưng vẫn xinh đẹp, lại có một chút ảo mộng của thế giới thần tiên.
Bảo tàng Erboliang (Nga Bác Lương) có những tác phẩm cột đá Yadan (Nhã Đan).
Ngoài rìa thành phố Mang Nhai có Erboliang (Nga Bác Lương), là bảo tàng giả tưởng tồn tại ở khu vực địa hình độc nhất vô nhị trên thế giới. Người ta gọi những cột đá bị mài mòn bởi gió và thời gian ở vùng địa hình khắc nghiệt nhưng dồi dào khoáng sản dưới lòng đất là Yadan (Nhã Đan). Tập hợp các "tác phẩm nghệ thuật" Yadan này chính là bảo tàng được hình thành hoàn toàn dưới bàn tay của mẹ thiên nhiên - Erboliang.
Đặt chân đến nơi đây, bạn dễ dàng bị mất phương hướng, cho dù sử dụng la bàn cũng khó lòng tìm thấy đâu là Bắc, đâu là Nam. Thậm chí nơi đây còn được ví như sao Hỏa, mọi thứ hiện diện lạ kỳ đến không chân thật.
Vì vậy, Erboliang còn được gọi là "Ma quỷ thành", là một trong 100 "Địa điểm chụp hình có phong cảnh đẹp nhất" ở Thanh Hải do "Địa lý Quốc gia Trung Quốc" bình chọn.
Núi Hắc Độc có một phần thuộc khu vực thành phố Mang Nhai, là cảnh quan độc nhất vô nhị của tỉnh Thanh Hải.
Mang Nhai có thể cô đơn, buồn tẻ và nguy hiểm đối với nhiều người. Nhưng nó lại là thành phố xinh đẹp, đầy lý thú đối với những ai đam mê khám phá và yêu thích phong cảnh tự nhiên.
Tuy nằm ở nơi hoang vắng, tiêu điều, nhưng Mang Nhai lại có xe cộ qua lại khá đông đúc, giao thông không quá hiện đại nhưng cũng được xem là thuận tiện.
Mặc dù hiện nay nhiều điểm du lịch đã trở nên thương mại hóa nhưng vẻ đẹp tự nhiên nguyên sơ của Mang Nhai đã thu hút đông đảo khách du lịch. Hành trình đến đây rất vất vả nhưng những gì nhận lại hoàn toàn xứng đáng.
Vậy, bạn có muốn trải nghiệm cảm giác ở trên "sao Hỏa" Mang Nhai không?
- Vì sao xoài, mít rải khắp phố phường nhưng người Trung Quốc không ai dám ăn?
- Trận pháp độc đáo của Gia Cát Lượng giúp chống 100.000 quân: Chỉ 1 người có thể giải mã?
- Sinh vật bi thảm nhất: Mất 300 triệu năm để leo lên đất liền, nhưng hành trình lại kết thúc trên bàn nhậu