Thành tựu khoa học, công nghệ đóng góp cho phát triển KT-XH
Ngành Khoa học Xã hội giới thiệu và trưng bày 21 công trình nghiên cứu khoa học lớn về khoa học xã hội và nhân văn của 17 nhà khoa học nhận giải thưởng Hồ Chí Minh đã công bố và xuất bản từ năm 2001 đến nay; Bên cạnh đó là 16 công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ do hàng trăm các nhà khoa học với 162 tên sách; Hơn 200 đầu sách khoa học chuyên ngành về triết học, lịch sử, văn học, văn hóa học, kinh tế học, xã hội học, khảo cổ, pháp luật, ngôn ngữ, tôn giáo,... Trong đó, phải kể đến các công trình nghiên cứu như: Sử thi Tây Nguyên (với hơn 70 tập, hàng trăm vạn trang ấn phẩm). Lịch sử Việt Nam, Lịch sử kinh tế Việt Nam, Tổng tập văn học dân gian người Việt, Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổng tập truyện thơ Nôm, Thác bản Việt Nam, Tổng tập văn học Nôm, Văn bia Việt Nam ...
Lĩnh vực khoa học công nghệ có nhiều đóng góp tới sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta, dưới đây là một số thành tựu tiêu biểu.
Chiếc nôi của những giống lúa mới
Chỉ riêng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chọn tạo và đưa vào sản xuất 114 giống lúa, trong đó 45 giống được công nhận chính thức. Ngoài ra, hàng năm có hàng chục giống mới triển vọng được đưa vào sản xuất thử nghiệm ở hầu khắp các địa phương trong vùng. Hầu hết các giống lúa do Viện chọn tạo đều có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-100 ngày, đã giúp nông dân trong vùng có điều kiện thâm canh, tăng vụ, né tránh lũ, tăng năng suất và sản lượng. Viện cũng đã kịp thời chọn tạo và phóng thích các giống lúa mới có khả năng chống chịu với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn đã đáp ứng nhu cầu của sản xuất và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra. Hiện nay diện tích sử dụng giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL chọn tạo đã đạt trên 2,4 triệu ha, chiếm 34,87% diện tích giống lúa của cả nước.
Ngoài ra, Viện còn xây dựng được 11 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp Quốc gia, trong đó có 5 quy trình kỹ thuật canh tác lúa, 2 quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn luân canh với lúa và 4 quy trình phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Các tiến bộ kỹ thuật do Viện phát triển là cơ sở quan trọng để xây dựng giải pháp kỹ thuật “Ba giảm, ba tăng” đang được nông dân trồng lúa áp dụng rộng rãi hiện nay…
Nghiên cứu và sản xuất thành công văcxin phòng bệnh cho trẻ em
Văcxin “ Rotavin-M1” là vắc xin sống giảm độc lực, uống phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em dưới 5 tuổi, được sản xuất từ chủng virut rota G1P trên tế bào Vero tại cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế - Bộ Y tế.
Chủng virut rota G1P được nghiên cứu, sản xuất tại phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật CDC-Atlanta-Hoa Kỳ và phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế - Bộ Y tế . Chủng này đã được kiểm định chất lượng theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới tại phòng thí nghiệm chuẩn thuộc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm y tế- Bộ Y tế. Chủng G1P đã được Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và Sinh phẩm y tế phê chuẩn sử dụng cho sản xuất vắc xin vào năm 2007.
Tiếp theo những thành công trong ghép thận, ghép gan của các nhà khoa học Việt Nam, Học viện Quân y đang chinh phục những đỉnh cao mới trong một lĩnh vực rất khó - ghép tim. Tháng 11.2007, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài độc lập cấp Nhà nước: "Nghiên cứu một số vấn đề về ghép tim thực nghiệm trên động vật để tiến tới ghép tim trên người ở Việt Nam", mã số ĐTĐL.2007 G/22, do PGS. Đặng Ngọc Hùng (Học viện Quân y) làm chủ nhiệm.
Trên cơ sở những thành công của ghép thận, ghép gan và ghép tim trên thực nghiệm, tháng 7.2009, Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não” thuộc chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng” do GS. TS. Nguyễn Tiến Bình (Giám đốc Học viện Quân y) làm chủ nhiệm.
Vào ngày 17 tháng 6 năm 2010, tại Bệnh Viện 103, Học Viện Quân y, Bộ Quốc phòng đã thực hiện thành công ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân Bùi Văn Nam 48 tuổi, quê quán: Thôn 4, đội 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định với chẩn đoán: Bệnh cơ tim thể giãn, suy tim toàn bộ độ IV.
Cho đến nay, sau gần 4 tháng phẫu thuật ghép tim, tình trạng sức khoẻ của anh Nam tiến triển tốt, tự vận động, sinh hoạt bình thường.
Sản xuất và ứng dụng công nghệ mới tại Nhà máy thủy điện Sơn La
Công trình nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, gồm 6 tổ máy, công suất lắp máy 2400MW, sản lượng điện bình quân hàng năm 9,4kWh. Đây là công trình có khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự đảm nhận.
Nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến do các đơn vị tư vấn, thiết kế, sản xuất thiết bị, thi công Việt Nam làm chủ và ứng dụng thành công.
Khoa học và công nghệ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc đưa công trình vào vận hành sớm hơn 2 năm so với dự kiến, tận dụng nguyên vật liệu trong nước, hạ giá thành sản phẩm, làm lợi cho đất nước trên 24.000 tỷ đồng. Một số công nghệ có thể kể ra là: chế biến và sản xuất tro bay tử tro xỉ của Công ty Cổ phần Sông Đà 12-Cao Cường phối hợp với Viện Khoa học vật liệu; Ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn trong thi công; Thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công (các đơn vị trong nước đảm nhận hơn 27.000 tấn, chiếm 62% thiết bị siêu trường, siêu trọng, tải trọng lớn, chịu áp lực lớn, hệ thống thủy lực điều khiển với tải trọng nâng đến 700 tấn/cửa van…); Sản xuất hệ thống các thiết bị nâng hạ lớn (cẩu trục gian máy 1120 tấn, cẩu chân què 350 tấn, cẩu chân xích sức nâng 100-600 tấn), với tỉ lệ nội địa hóa trên 90% với giá thành hạ (bằng 50% giá sản phẩm tương đương của Châu Âu và 75% giá sản phẩm của Trung Quốc); Đây là những sản phẩm của Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, được sản xuất với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN.
Sản xuất các sản phẩm cơ điện tử made in Vietnam
Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI) đã tạo dựng được nền móng để phát triển một ngành cơ khí mới (ngành cơ điện tử), có khả năng cạnh tranh và có hiệu quả kinh tế cao. IMI đã sáng tạo kết hợp cơ khí với tự động hóa, điện tử, công nghệ thông tin, để tạo ra các sản phẩm cơ khí mới có tính linh hoạt cao (sản phẩm cơ điện tử), qua đó nâng cao được khả năng cạnh tranh của sản phẩm, chiếm lĩnh thị phần trong nước, tạo giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế. 51 sản phẩm cơ khí mới của IMI thuộc cụm công trình “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo cụm sản phẩm cơ điện tử trong công nghiệp” đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.
Các sản phẩm công nghệ cao của Viện chiếm lĩnh hầu hết thị trường trong nước, giá thấp hơn 30-40% so với nhập ngoại, giúp tiết kiệm mỗi năm hàng chục triệu USD do thay thế hàng nhập khẩu.
Trong 10 năm gần đây, các cán bộ khoa học của Viện đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công cụm sản phẩm cơ điện tử, với hơn 100 sản phẩm công nghệ cao, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp trên khắp mọi miền đất nước, mang lại giá trị doanh thu 1.000 tỷ đồng mỗi năm.
Máy công cụ điều khiển số (CNC) do Việt Nam chế tạo
Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Nhà nước đã cấp kinh phí cho nhiều dự án, đề tài nghiên cứu để chế tạo máy CNC. Các cơ sở nghiên cứu và sản xuất ở Hà Nội như Viện IMI, công ty Cơ khí Hà Nội (Hameco) đã những thành công bước đầu như: chế tạo được máy phay CNC 3 trục, máy tiện băng nghiêng CNC. Các kết quả trên mới chỉ dừng ở mức chế thử do điều kiện trong nước lúc bấy giờ còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thương mại được. Năm 2000, có một loạt đề tài, dự án mới đã có kết quả bước đầu trong việc thương mại hoá sản phẩm máy CNC ở thị trường trong nước.
Với vai trò đối tác triển khai trực tiếp hoặc chủ trì các đề tài và dự án nêu trên, công ty TNHH Cơ Điện tử Bách Khoa (BKMech) đã góp phần đưa sản phẩm tới thị trường và củng cố mô hình nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng mạng lưới các nhà cung cấp phụ trợ trong nước và nước ngoài. Công ty đã thành công khi áp dụng một số nghiên cứu mới trong thiết kế máy công cụ như kỹ thuật tối ưu hóa kết cấu giúp giảm khối lượng lên đến 30% trong khi vẫn giữ nguyên đặc tính độ cứng, tần số tự nhiên, các kỹ thuật kiểm nghiệm FEA như kiểm nghiệm độ cứng, kiểm nghiệm động học, kiểm nghiệm biến thiên nhiệt..
Nhờ các chi tiết nội địa hóa trong nước, sản phẩm máy CNC có giá thành giảm tới 30% so với sản phẩm nhập ngoại.
Ứng dụng đồng vị phóng xạ phục vụ kinh tế-xã hội
Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, với ưu thế về thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ khoa học trình độ cao, là cơ quan đầu ngành trong nghiên cứu, ứng dụng đồng vị phóng xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong y tế, Viện đã sản xuất và cung cấp hầu hết các dược chất phóng xạ cần thiết quan trọng của y học hạt nhân như I-131, Tc-99m, P-32…góp phần duy trì và phát triển mạng lưới y học hạt nhân trên cả nước.
Trong công nghiệp dầu khí, Viện đã thành công trong nghiên cứu di chuyển của nước bơm ép trong mỏ dầu nhằm kiểm soát công nghệ khai thác, nâng cao hệ số khai thác, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm khối lượng nước bơm vào và nâng cao hệ số quét đẩy dầu mỏ.
Trong nghiên cứu môi trường, địa chất, thủy văn, Viện đã thành công trong việc ứng dụng đồng vị phóng xạ đánh dấu để nghiên cứu quá trình quá trình xói mòn đất, quá trình thấm qua thân đập thủy điện, đê điều, quá trình bồi lắng lòng hồ, khu vực bến cảnh. Các công trình nghiên cứu sa bồi ở cửa Năm Triệu, cảng Hải Phòng có ý nghĩa đặc biết quan trọng đối với hoạt động của các hải cảng này.
Phần mềm đánh giá rủi ro động đất
Công nghệ GIS được áp dụng để xây dựng công cụ phần mềm có tên gọi là ArcRisk phục vụ đánh giá độ rủi ro động đất và ước lượng thiệt hại ở phạm vi đô thị. Ngoài chức năng là một công cụ mạnh trong việc đánh giá độ nguy hiểm và rủi ro động đất bằng công nghệ GIS, ArcRisk còn được thiết kể để có thể sử dụng như một hệ thống hỗ trợ ra quyết định trong công tác phòng ngừa, ứng cứu và giảm nhẹ thiệt hại do động đất gây ra đối với cộng đồng đô thị tại Việt Nam.
Đối với mỗi kịch bản động đất, ArcRisk tự động tính toán và hiển thị các kết quả cho khu vực nghiên cứu, thiết lập bản đồ rung động nền biểu thị phân bố gia tốc cực đại nền, các bản đồ chuyên đề biểu thị khả năng phá hủy nền do các hiện tượng trượt lở nền và hóa lỏng nền do động đất gây ra và tập bản đồ thiệt hại nhà cửa do động đất ở 4 mức độ thiệt hại khác nhau: nhẹ, trung bình, nặng, hoàn toàn.
Hệ thống tự động hóa quản lý, giám sát và điều khiển tàu thuyền
Hệ thống tự động hóa quản lý, giám sát, điều khiển các tàu thuyền của các biên đội tàu hoạt động trên biển cho phép quản lý gần như đồng thời tình hình cơ động (và tĩnh tại) của các tàu cấp dưới; đơn vị đang ra vào, số lượng biên đội, tàu, số hiệu từng tàu; biểu thị tình hình hoạt động trong không gian rộng trên nền hải đồ số về vị trí, nhiệm vụ, tình trạng hoạt động của từng tàu; hành trình các tàu đi; Phân phối liên kết và trao đổi thông tin động một cách linh hoạt giữa các tàu và cụm tàu dưới quyền…
Đây là hệ thống sử dụng công nghệ hiện đại, hoàn toàn chưa được nghiên cứu ở Việt Nam, ứng dụng trong quản lý, giám sát, điều khiển các tàu thuyền, biên đội tàu hoạt động trên biển của các lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển, các cụm tàu khai thác kinh tế biển và hỗ trợ quản lý khai thác biển và phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
Hệ thống là sản phẩm của Viện Điện tử - Viện KH&CN quân sự, Bộ Quốc phòng.
Vệ tinh siêu nhỏ Pico-Dragon
Là kết quả của đề tài “Mô phỏng, thiết kế và chế tạo vệ tinh pico” cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và là vệ tinh pico đầu tiên do Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo (Phòng Động lực học vũ trũ và cơ điện tử chính xác - Viện Công nghệ Vũ trụ - Viện KH&CN Việt Nam).
Vệ tinh có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như: liên lạc và nhận lệnh điều khiển từ trạm mặt đất; Gửi các dữ liệu về thu thập được từ vệ tinh về trái đất; Chụp ảnh trái đất với độ phân giải thấp; Gửi dữ liệu ảnh về trạm mặt đất.
Vệ tinh Pico-Dragon siêu nhỏ chủ yếu nhằm phục vụ công tác đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ, từ việc tạo điều kiện học tập, nghiên cứu các quy trình từ thiết kế, chế tạo đến thử nghiệm, phóng lên quỹ đạo và cuối cùng là điều khiển được vệ tinh.
Việc nghiên cứu, chế tạo vệ tinh siêu nhỏ Pico-Dragon hướng tới việc xây dựng đội ngũ kỹ sư làm chủ quy trình, công nghệ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ, phục vụ cho định hướng phát triển công nghệ vệ tinh của Việt Nam trong tương lai.
Cụm sản phẩm vật liệu từ
Sản phẩm nam châm đất hiếm Nd-Fe-B có từ tính siêu mạnh, vượt xa các loại nam châm thông thường, có thể so sánh với nam châm vĩnh cửu trên thế giới. Sản phẩm được ứng dụng trong chế tạo máy tuyển từ để tuyển sa khoáng titan, với giá thành chỉ bằng 20-25% so với công nghệ nhập ngoại. Sản phẩm nam châm đất hiếm Nd-Fe-B còn được ứng dụng có hiệu quả trong một số hoạt động khác như loại sắt ra khỏi nguyên liệu cho ngành gốm sứ, khai thác chế biến nguyên liệu cho ngành thủy tinh cao cấp, vật liệu chịu lửa có chất lượng cao.
Từ năm 2002 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng nam châm đất hiếm Nd-Fe-B vào sản xuất, trong đó có công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh giúp tiết kiệm chi phí, điện năng và tăng được giá trị sản phẩm đầu ra so với công nghệ cũ. Công ty đã tiết kiệm được 1,8 tỷ đồng/năm chi phí điện năng và gia tăng giá trị sản phẩm đầu ra so với các doanh nghiệp khác.
Sản phẩm vật liệu từ Nd-Fe-B đã được Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quyền, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và các cộng sự nghiên cứu chế tạo và ứng dụng.