Thế giới động vật và những “Fun Facts” sẽ khiến chúng ta phải kinh ngạc!
Vượn Cáo có thể uống mà không say; diều hâu Úc biết cách “đốt rừng” để săn mồi... và còn nhiều sự thật khác mà thế giới động vật sẽ khiến bạn phải kinh ngạc!
Khi cố đập chết một con ruồi, cú đánh của bạn trong mắt của loài côn trùng này sẽ giống y hệt đoạn phim quay chậm và nó có thể né tránh đòn tấn công như màn né đạn nổi tiếng của nhân vật Neo trong bộ phim Ma Trận. Vì vậy, những chú ruồi hầu như chỉ có thể bị đánh trúng nếu chúng ta tấn công bất ngờ vào điểm mù.
Cuộc sống của loài dơi quả thật khá gian nan, xét trên phương diện khoa học! Bởi vì, để có thể định vị tốt khi thị giác vốn rất kém, chúng phải sử dụng chiếc mũi phát ra sóng siêu âm. Điều này kéo theo việc chúng cần một năng lực thính giác tốt để lắng nghe sóng siêu âm dội lại, nghĩa là tai của Dơi phải to. Tuy nhiên, một đôi tai to sẽ khiến việc bay lượn gặp khó khăn vì tốn nhiều năng lượng. Thật là một vòng luẩn quẩn!
Vượn cáo có thể phân biện rượu 1% với rượu 5% và chúng thường thích loại rượu nặng hơn. Thậm chí, ngoài khả năng phân biệt, loài động vật này còn là một “bợm nhậu” đích thực bởi sở hữu khả năng uống không say! Theo các chuyên gia, tửu lượng cao của Vượn Cáo đến từ loại enzyme phân giải rượu mà chúng sở hữu! Trên thực tế, cơ thể con người cũng tồn tại loại enzyme “thần thánh” này nhưng lại hoạt động chậm hơn nhiều!
Bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết rằng, loài diều hâu Úc biết cách sử dụng lửa để săn mồi! Cụ thể, khi các vụ cháy rừng xảy ra, diều hâu Úc sẽ đứng rình ở rìa đám cháy để chờ tóm những con mồi đang chạy trốn. Chưa dừng lại ở đó, loài chim này còn láu cá đến mức biết quắp cành cây cháy dở đi phát tán nơi khác để đốt rừng, nhằm phục vụ cho mục đích săn mồi.
Một loài chim sở hữu trí thông minh đáng kinh ngạc khác chính là quạ. Và đặc biệt nhất có lẽ chính là loài quạ New Caledonian! Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học đã phải bất ngờ khi chứng kiến loài quạ này có thể tạo ra các công cụ, phục vụ cho mục đích của mình, ví dụ: quạ New Caledonian có khả năng tạo ra một chiếc que dài từ những đoạn ngắn.
Trên thực tế, hươu cao cổ không chỉ có chiếc cổ hay những chiếc chân dài như chúng ta thường thấy!
Các nhà nghiên cứu thuộc đại học St. Andrews đã phát hiện ra rằng, khi gặp tình huống nguy hiểm, đười ươi cái và con mình trước tiên sẽ tìm chỗ trốn, sau khi cảm thấy an toàn, đười ươi mẹ sẽ dùng âm thanh từ môi “dạy” cho con mình về tình huống hiểm nghèo vừa diễn ra.
Loài chim sẻ đầm lầy sống trong khu vực Đông Bắc Hoa Kỳ ngày nay luôn hót các giai điệu đã có từ cả ngàn năm trước! Cụ thể, “bài hát” lâu đời nhất của những đàn chim này đã xuất hiện cách đây 1500 năm và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến tận bây giờ!