Thêm 13 biến thể gen làm tăng nguy cơ bệnh tim

Các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Stanford và các đồng nghiệp trên thế giới vừa phát hiện ra 13 biến thể gen mới có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng của bệnh tim.


Kết quả nghiên cứu trên được đăng tải trên tạp chí Nature Genetics.

Các nhà khoa học cho biết, với việc phát hiện những biến thể gen mới này cộng với 10 biến thể gen đã được khẳng định trước đây có thể giúp xác định các dấu hiệu về bệnh tim, từ đó đưa ra các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.

Đội ngũ các nhà khoa học đã tiến hành phân tích dữ liệu của 14 nghiên cứu trước đây về toàn bộ bảng gen của con người đối với hơn 22.000 bệnh nhân ở châu Âu có tiền sử bị đau tim hoặc bị bệnh tim mạch vành và 60.000 người khỏe mạnh làm hồ sơ đối chiếu.

Tiến sỹ Themistocles Assimes của Đại học Stanford cho rằng: "Việc kết hợp các dữ liệu từ nhiều nghiên cứu khác nhau là rất quan trọng nhằm phát hiện ra các biến thể gen do cấu trúc gen của bệnh tim rất phức tạp".

Theo tiến sỹ Assimes, kết quả phân tích nói trên cho biết có tổng cộng 23 biến thể gen đã được xác định, trong đó có bảy biến thể gen liên quan đến nồng độ các cholesterol xấu (LDL) và một biến thể gen liên quan đến chứng tăng huyết áp - đây được coi là những nhân tố nguy cơ đối với bệnh tim.

Tuy nhiên, các biến thể khác không có mối liên hệ với các nhân tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch đã được biết - một phát hiện mà theo các nhà khoa học có thể mở ra các cơ hội mới cho các nghiên cứu trong tương lai.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh tim mạch được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm, ước tính có khoảng 17,1 triệu người bị chết vì căn bệnh này và chi phí đối với các thiết bị y tế và điều trị cũng tiêu tốn hàng tỷ USD.

Các thói quen như hút thuốc, uống rượu, ăn uống không lành mạnh và không chịu khó tập thể dục là những nhân tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất