Thêm chứng cứ thuyết phục về sự sống trên mặt trăng sao Thổ
Giới khoa học khẳng định mặt trăng Enceladus của sao Thổ là thực thể vũ trụ duy nhất ngoài Trái đất hội đủ những điều kiện cơ bản để có thể tồn tại sự sống.
Theo báo Independent, những cột khí chứa các phân tử hữu cơ lớn phun lên từ các khe nứt trên bề mặt băng tuyết của vệ tinh Enceladus vào không gian vũ trụ đã được tàu vũ trụ Cassini của NASA lấy mẫu nghiên cứu và khẳng định trong đó có chứa "tất cả những điều kiện cơ bản dành cho sự sống như chúng ta đã biết".
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã nhận thấy bằng chứng của các vật chất giàu carbon được hình thành ở tâm mặt trăng Enceladus, cũng là vệ tinh lớn thứ 6 của sao Thổ.
Mô tả những điều kiện tồn tại sự sống trên mặt trăng của sao Thổ - Enceladus - (Ảnh: NASA).
Theo nhóm chuyên gia, họ đã vô cùng phấn khích trước phát hiện này. Tiến sĩ Frank Postberg thuộc đại học Heidelberg, chủ trì nghiên cứu cho biết: "Các phân tử hữu cơ phức tạp không nhất thiết sẽ tạo ra môi trường có sự sống, nhưng ở phương diện khác, chúng là những tín hiệu cần thiết thông báo trước về sự sống".
"Trước kia người ta không biết có hay không một cơ chế hóa học hữu cơ phức tạp trên Enceladus, và nay chúng tôi đã biết", ông Frank nói.
Còn theo tiến sĩ Christopher Glein, một nhà khoa học vũ trụ chuyên nghiên cứu về các đại dương ngoài Trái đất, những phát hiện mới cho thấy mặt trăng của sao Thổ chính là thực thể duy nhất ngoài Trái đất được biết cho tới nay "đồng thời thỏa mãn tất cả những yêu cầu cơ bản để có sự sống như chúng ta biết".
Ông nói thêm: "Một lần nữa chúng tôi rất phấn khởi với Enceladus. Trước đây chúng tôi chỉ xác định được những phân tử hữu cơ đơn giản nhất chứa một vài nguyên tử carbon, nhưng ngay cả điều đó thôi thì cũng đã rất thú vị rồi".
Các phát hiện mới về bằng chứng sự sống trên mặt trăng của sao Thổ là thành tựu có được sau nhiều năm lấy mẫu, thu thập dữ liệu của tàu vũ trụ Cassini khi nó bay tiệm cận so với các mặt trăng của sao Thổ.