Thị trấn cảng lịch sử Levuka

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Thị trấn cảng lịch sử Levuka của Fiji là Di sản văn hóa thế giới năm 2013.


Thị trấn cảng lịch sử Levuka

Levuka là một thị trấn bên bờ biển phía đông của đảo Ovalau của Fiji, trước đây thị trấn lịch sử này từng là thủ đô của Fiji. Theo điều tra dân số năm 2007, riêng tại thị trấn Levuka số dân đã chiếm tới nửa số dân trên toàn bộ đảo Ovalau. Đây cũng là trung tâm kinh tế và là đô thị lớn nhất trong số 24 đô thị trên đảo. Thị trấn là ví dụ hiếm hoi về một thị trấn hải cảng thuộc địa đến nay vẫn phát triển và là nơi định cư của khá đông người Châu Âu – những công dân đã đến với hòn đảo này trong khoảng thế kỷ 19.
Chính những công dân Châu Âu định cư này là những người thành lập nên thị trấn Levuka năm 1820. Họ đã đưa trị trấn hải cảng ven biển này trở thành một trung tâm buôn bán sầm uất và quan trọng trong khu vực.

Năm 1858, linh mục Marist đã thành lập nhà thờ đầu tiên ở Levuka. Năm 1871, vua Seru Epenisa Cakobau lên ngôi và thành lập nhà nước Fiji. Năm 1874, Fiji được sát nhập trở thành thuộc địa của Anh, nhưng Levuka vẫn là thủ đô cho đến năm 1877 khi bộ máy chính quyền chuyển về Suva. Lý do của việc thay đổi này là bởi bộ máy quản lý cho rằng những vạch đá cao tới 600 mét xung quanh thị trấn bó buộc khiến việc mở rộng thủ đô là không thể.


Bờ biển tuyệt đẹp của thị trấn lịch sử Levuka

Thị trấn cảng lịch sử Levuka


Levuka ngày nay

Thị trấn cảng lịch sử Levuka nổi tiếng bởi sở hữu nhiều thứ "đầu tiên" của Fiji như: ngân hàng đầu tiên của Fiji được hình thành tại đây; Bưu điện; Trường học; Bênh viện tư nhân; Tòa thị chính....Tờ báo đầu tiên của Fiji có tên Fiji Times cũng có trụ sở đầu tiên ở Levuka, đến nay tòa soạn báo này vẫn còn hoạt động. Khách sạn Hoàng gia Levika là khách sạn lâu đời nhất ở Nam Thái Bình Dương đã hoạt động liên tục từ khi được thành lập đến nay. Năm thành lập chính xác của khách sạn này giờ chưa đươc xác định chính xác nhưng theo tài liệu thì nó đã tồn tại từ những năm 1860. Trường công lập Levuka lần đầu tiên khai giảng vào năm 1879, là trường công lập đầu tiên ở Fiji và nhiều nhà lãnh đạo Fiji trong những năm đầu dẫn đến và sau độc lập năm 1970 đã được đào tạo ở đây....

Thị trấn này đã hoạt động sầm uất và là hải cảng quan trọng cho các tàu biển đi qua Thái Binh Dương dừng chân cho đến năm 1950. Việc không còn sử dụng hải càng đã đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế chính của cả thị trấn.

Năm 1964, một công ty của Nhật Bản đã tới đây thành lập công ty cá Thái Bình Dương. Công ty chuyên đóng hộp và vận chuyển cá ngừ đóng hộp sang các thị trường ở Châu Âu và Canada. Một nhà máy đồ hộp liên doanh giữa chính phủ và PAFCO được khai trương tại thị trấn năm 1976, đây là công ty tư nhân lớn nhất trên đảo. Do bị cô lập nên du lịch ở Levuka chỉ đóng vai trò nhỏ không đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đảo.

Các công trình công cộng ở Levuka vẫn còn nguyên vẹn tới nay có: Bảo tàng Fiji; Thư viện Công cộng; Nhà trẻ; Sân bóng; Hội trường; Một cửa hàng được xây dựng từ năm 1878; Một công ty kinh doanh thành lập từ những ngày đầu mới thành lập thị trấn; Một tòa nhà cổ được xây vào năm 1980... Bên cạnh đó còn một số địa điểm nổi tiếng khác như: Nhà thờ Thánh Tâm đươc xây dựng năm 1858; Tòa thị chính Levuka được xây dựng năm 1898 để vinh danh nữ hoàng Victoria. Tòa nhà do kiến trúc sư Diamond Jubilee đảm nhiệm việc xây dựng.


Một vài công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của thị trấn lịch sử Levuka

Thị trấn cảng lịch sử Levuka được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới theo tiêu chí (ii), (iv)

Tiêu chí (ii): Thị trấn cảng lịch sử Levuka là ví dụ điển hình cho sự phát triển hàng hải trong thế kỷ 19 tại các khu vực quanh quần đảo Thái Bình Dương. Thị rấn cũng là thành phố cảnh thuộc địa có đông người nhập cư đến cư trú và những người này đã hòa nhập với người bản địa tạo thành một cộng đồng dân cư mới.

Tiêu chí (iv): Thị trấn cảng lịch sử Levuka phản ánh rõ nét sự phát triển của các tổ chức thuộc địa Châu Âu trong thế kỷ 19. Những cư dân Châu Âu đã di cư đến hòn đảo này và kết hợp với người bản địa tạo thành một xã hội với văn hóa riêng biệt tại bờ biển Thái Bình Dương

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất