Thiên hà chứa bong bóng khổng lồ bắn tia vũ trụ vào Trái đất
2 vật thể kỳ dị có hình dáng 2 quả bóng khí gas khổng lồ thuộc về thiên hà xa xôi NGC 3079 đang bắn tia vũ trụ cực mạnh đi khắp nơi.
Một nhóm khoa học gia đến từ Mỹ, Canada, Đức và Pháp đã cùng giải mã bí ẩn của thiên hà mang tên NGC 3079, một vật thể mà họ cho rằng có thể chịu trách nhiệm cho một số tia vũ trụ từng bắn vào Trái đất.
Thiên hà NGC 3079, nơi chứa 2 quả bóng siêu năng lượng khổng lồ - (ảnh: NASA).
Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal, nhóm khoa học gia nói trên đã mô tả về 2 vật thể cực kỳ lạ lùng mà họ tìm thấy trong thiên hà bí ẩn trên. Đó là 2 quả bóng khí gas khổng lồ, đường kính có thể lên đến 3.600 và 4.900 năm ánh sáng. 1 năm ánh sáng trong thiên văn học tương đương với khoảng cách lên đến 9.500 tỉ km.
Các nhà khoa học tạm gọi chúng là "superbubbles", tức "siêu bong bóng". 2 siêu bong nóng này nằm ở khu vực trung tâm thiên hà.
Các hiểu biết ngày nay chỉ mới giải thích được sơ lược sự hình thành của chúng: một đợt sóng sốc siêu mạnh, đẩy một lượng lớn khí được giải phóng từ các ngôi sao xa xôi vào không gian, tạo nên một khoang lớn hình bong bóng. Theo NASA, quá trình này cũng có thể là "tác dụng phụ" của những cơn gió siêu mạnh thổi ra từ các ngôi sao mới sinh. Giả thuyết khác lại cho rằng các quả bóng này là sản phẩm của một lỗ đen siêu lớn.
2 siêu bong bóng vẫn không ngừng bắn ra các tia vũ trụ khắp nơi và có thể đóng góp một lượng nhất định vào các tia vũ trụ mà trái đất của chúng ta thường xuyên hứng chịu, dù chúng ta cách chúng đến 67 triệu năm ánh sáng.
Các tia vũ trụ do 2 siêu bóng bóng bắn ra cực mạnh, ước tính hơn 100 lần quả bóng năng lượng mạnh nhất mà Máy va chạm Hadron lớn của Tổ chức Nghiên Cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN) tạo ra. Đây cũng là cỗ máy từng được cho là có thể tạo ra tận thế nếu có sai sót trong vận hành. Về 2 siêu bong bóng, rất may chúng ở rất xa Trái đất nên các tia vũ trụ bắn tới chúng ta đã đủ suy yếu để không gây thiệt hại gì.