"Thiến hóa học" - Giải pháp dành cho tội phạm tình dục trẻ em
Thiến hóa học là gì? Khả năng an toàn ra sao? Mọi điều bạn cần biết nằm ở đây.
Trong bối cảnh tình trạng tội phạm tình dục trẻ em đang trở thành một vấn đề nổi cộm, đã có đề xuất cho rằng chúng ta nên thi hành "thiến hóa học" đối với những tên yêu râu xanh này.
Đề xuất này có thành hiện thực không còn phải chờ các cơ quan chức năng lên tiếng. Thứ chúng ta cần quan tâm bây giờ là: thế nào là "thiến hóa học", và tính hiệu quả của phương án này sẽ như thế nào?
Thiến hóa học - giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng
Theo giới chuyên môn, "thiến" hóa học là biện pháp tiêm (hoặc uống) hormone kháng hormone sinh dục nam testosterone, khiến nồng độ testosteron trong cơ thể giảm xuống mức thấp, từ đó làm giảm tới mức thấp nhất nhu cầu ham muốn về tình dục.
Thiến hóa học là sử dụng thuốc để kìm hãm bản năng tình dục của đối tượng.
Cái tên có lẽ cũng tiết lộ cho chúng ta một phần của vấn đề. Bản chất của từ "thiến" là khiến cho nam giới và nữ giới không còn khả năng thực hiện bản năng tình dục nữa, thường là bằng cách cắt bỏ tinh hoàn hoặc buồng trứng.
Tương tự, thiến hóa học có thể hiểu là thiến bằng cách sử dụng thuốc làm giảm hormone sinh dục xuống mức thấp nhất, qua đó kìm hãm bản năng và nhu cầu về chuyện ấy, thậm chí cả suy nghĩ về điều đó cũng biến mất.
Có lẽ nhờ vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng hình phạt này dành cho tội phạm tình dục trẻ em, như bang California, Georgia, Montana, Florida của Mỹ. Indonesia và Hàn Quốc là 2 quốc gia tiên phong của châu Á áp dụng luật thiến hóa học. Còn châu Âu có Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan...
Tuy nhiên, cần hiểu đúng là thuốc không có tác dụng vĩnh viễn! Người bị thiến hóa học sẽ phải tiêm thuốc hàng tháng, và hoàn toàn có thể tìm lại bản năng sau khi ngưng sử dụng thuốc. Vậy câu hỏi ở đây là: tính an toàn của phương pháp này ra sao? Liệu có khả năng tội phạm tái diễn ham muốn phạm tội hay không?
Tại sao thiến hóa học với tội phạm tình dục chưa được tất cả các quốc gia áp dụng?
Có lẽ lý do là bởi việc thiến hóa học trên thực tế chưa cho được bằng chứng đảm bảo 100% khả năng tái phạm, trong khi các nghiên cứu cũng cho thấy bằng chứng tương đối hạn chế. Nguyên nhân một phần cũng là vì yếu tố đạo đức của ngành y không cho phép thử nghiệm thuốc trên cơ thể người.
Một số quốc gia chưa cho phép sử dụng thiến hóa học vì chưa hoàn toàn tin tưởng.
Ngoài ra, một số người lo ngại về tác dụng phụ không thể đảo ngược của thuốc - bao gồm nguy cơ mắc bệnh tim, loãng xương, béo phì... Chưa kể, một số loại thuốc còn mang nguy cơ gây trầm cảm hoặc các bệnh về tâm lý khác nữa.