Thiên thạch bay sát trái đất
Một thiên thạch sẽ bay sát trái đất vào ngày mai nhưng không va chạm với hành tinh của chúng ta.
Space cho biết, thiên thạch đó có tên 2010 GA6 tương đối nhỏ với đường kính khoảng 22 m. Các nhà thiên văn thuộc chương trình Catalina Sky Survey tại thành phố Tucson, bang Arizona, Mỹ đã phát hiện nó. Thiên thạch sẽ di chuyển bên trong quỹ đạo mặt trăng khi nó bay ngang qua trái đất vào lúc 23h06 GMT ngày 8/4, tức 6h06 ngày 9/4 theo giờ Hà Nội. Các chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định mọi người không nên lo lắng vì thiên thạch không thể gây hại cho địa cầu.
“Cứ vài tuần những vật thể bay qua trái đất và nằm trong quỹ đạo mặt trăng lại xuất hiện một lần”, Don Yeomans, một nhà nghiên cứu của Văn phòng Vật thể gần trái đất thuộc NASA, phát biểu.
Ở thời điểm gần trái đất nhất, 2010 GA6 sẽ cách hành tinh của chúng ta khoảng 359.000 km – gần bằng khoảng cách giữa địa cầu và mặt trăng.
Đây không phải thiên thạch đầu tiên bay sát trái đất trong năm nay. Hồi tháng 1, thiên thạch 2010 AL30 bay cách hành tinh xanh chừng 130.000 km.
Theo Space, NASA thường xuyên theo dõi thiên thạch và sao chổi gần địa cầu bằng một hệ thống kính thiên văn trên mặt đất và trong không gian. Chương trình Spaceguard của NASA được thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm những thiên thạch nguy hiểm và nghiên cứu quỹ đạo của chúng để xem chúng có khả năng lao trúng trái đất hay không.
Vào tháng 12 năm ngoái NASA đưa kính thiên văn mang tên Wide-field Infrared Survey Explorer (WISE) lên vũ trụ. Sứ mệnh của WISE là tìm kiếm những thiên thạch mà những kính thiên văn khác không thể phát hiện do chúng chỉ phát ra ánh sáng hồng ngoại. Từ khi được phóng đến nay WISE đã phát hiện hàng chục thiên thạch mỗi ngày.