Thiết bị phát hiện ung thư nhanh

Các nhà nghiên cứu Mỹ giới thiệu một thiết bị mới có thể phát hiện hàng chục loại bệnh ung thư bằng phương pháp xét nghiệm máu một lần.

Tại hội nghị TEDGlobal ở Rio De Janeiro, Brazil tuần trước, công ty Miroculus cho ra mắt sản phẩm với tên gọi Miriam. Đây là bước đột phá trong công nghệ sinh học cho phép xác định hàng chục loại bệnh ung thư khác nhau một cách nhanh chóng, dễ dàng và rẻ tiền, người sử dụng chỉ mất một mẫu máu nhỏ để tiến hành xét nghiệm, Science Alert đưa tin.


Thiết bị mới giúp phát hiện ung thư. (Ảnh: Miroculus)

Để thiết bị này hoạt động, cần lấy mẫu máu của bệnh nhân cho vào đĩa thí nghiệm, gồm 96 lỗ nhỏ, có khả năng phát hiện microRNA - một loại axit nucleic đóng vai trò là vật chất di truyền của con người. Mỗi lỗ nhỏ này chứa các phân tử sinh học đặc biệt có khả năng phát ra ánh sáng màu xanh lá cây khi nó nhận diện được các microRNA trong mẫu máu có liên quan đến bệnh ung thư.

Đĩa thí nghiệm này sau đó được đưa vào chạy xét nghiệm trong thiết bị Miriam với tổng thời gian 60 phút. Thiết bị Miriam sẽ đối chiếu các kết quả và chuyển thông tin đến một ứng dụng trên smartphone của nhân viên y tế, qua đó cho biết có biểu hiện của bệnh ung thư hay không, nếu có thì thuộc loại nào.

Các nhà sáng lập ở công ty Miroculus cho biết giá của thiết bị là 500 USD. Thiết bị mới chẩn đoán ung thư sẽ nhanh chóng được đưa vào sử dụng trong tương lai và được phân phối cho các bệnh viện trên toàn thế giới, nhân viên y tế có thể chẩn đoán ngay lập tức cho bệnh nhân, tạo ra một xu thế mới trong phát hiện, kiểm soát bệnh ung thư. Phát hiện sớm là một trong những điều kiện tiên quyết để có thể cứu sống người mắc bệnh ung thư.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất