Thiếu vitamin B6 là nguyên nhân chính khiến bạn nhanh quên giấc mơ?

Các nhà khoa học Úc phát hiện thấy, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chúng ta nhanh chóng quên đi những giấc mơ sau khi thức giấc có liên quan mật thiết tới tình trạng thiếu vitamin B6.

Trung bình một con người dành đến 6 năm cuộc đời chỉ để mơ trong lúc ngủ. Tuy vậy, đa số chúng ta đều nhanh chóng quên đi những giấc mơ sau khi tỉnh dậy.

Đó quả thực là một điều đáng tiếc vì đôi khi chúng ta có những giấc mơ rất đẹp, thậm chí có giấc mơ gợi ý về một điều gì đó trong quá khứ hoặc tương lai. Nhưng rồi tất cả như một cốc nước đầy hất đi, tất cả giấc mơ đều biến mất khỏi ký ức chỉ vài giây sau khi bạn tỉnh giấc.


Đa số chúng ta đều nhanh chóng quên đi những giấc mơ sau khi tỉnh dậy.

Tưởng chừng đây là một cơ chế tự nhiên của cơ thể và không thể can thiệp. Mặc dù vậy, các nhà khoa học tại Đại học Adelaide, Úc đã tình cờ phát hiện ra mối liên hệ giữa vitamin B6 và khả năng ghi nhớ giấc mơ lâu hơn của não bộ.

Vitamin B6 hay còn gọi là pyridoxine, là một vitamin quan trọng thuộc vitamin nhóm B có khả năng cải thiện chức năng não, ngăn chứng bệnh mất trí nhớ, suy giảm nhận thức, tăng cường hệ miễn dịch, ngăn thiếu máu,…

Theo Technology, các nhà khoa học Úc đã mời khoảng 100 tình nguyện viên từ khắp nước Úc tham gia vào nghiên cứu này. Tất cả họ đều khẳng định thường xuyên quên những giấc mơ ngay sau khi tỉnh dậy.

Một số người tham gia nghiên cứu phải uống vitamin B6 liều cao (240mg) trước khi đi ngủ trong 5 ngày liên tục. Trong khi những người khác uống giả dược (loại thuốc trấn an tinh thần và không có tác dụng nào với cơ thể).

Sau 5 ngày, các nhà khoa học phát hiện thấy, những người được bổ sung vitamin B6 có khả năng ghi nhớ giấc mơ tốt hơn so với những người uống giả dược.

Thú vị thay, vitamin B6 không gây ảnh hưởng nhiều đến nội dung của những giấc mơ. Sự sống động và các hiện tượng kỳ quặc xảy ra trong giấc mơ vẫn như cũ. Thế nhưng những người bổ sung vitamin B6 lại có khả năng ghi nhớ giấc mơ tốt hơn.


Thực phẩm chứa nhiều vitamin B6.

Các nhà khoa học Úc hy vọng, việc phát hiện ra tác dụng của vitamin B6 với khả năng ghi nhớ giấc mơ của con người sẽ mở ra hy vọng cho nhiều liệu pháp y học.

Deh Denholm Aspy, tác giả chính của nghiên cứu tiết lộ: "Hiện tượng mơ tỉnh (Lucid dream) - trạng thái mà người ngủ mơ nhận thức được mình đang mơ có nhiều lợi ích tiềm năng. Ví dụ, bạn có thể áp dụng ‘mơ tỉnh' để tránh gặp phải ác mộng, điều trị những nỗi ám ảnh, tăng khả năng sáng tạo, cải thiện kỹ năng vận động hay thậm chí phục hồi chức năng sau khi bị chấn thương".

Tuy nhiên, bạn không cần phải cố gắng bổ sung vitamin B6 nếu không cần thiết. Bởi lẽ loại vitamin này có rất nhiều trong sữa, pho-mát, trứng, thịt đỏ, gan, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây và cá.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tập trung tìm hiểu cơ chế tác động của liều lượng vitamin B6 hấp thu vào cơ thể với khả năng ghi nhớ giấc mơ. Nhiều khả năng, những người tham gia nghiên cứu đã không hấp thu đủ lượng vitamin B6 cần thiết.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất