Thời gian có thể lái xe an toàn sau khi uống rượu, bia

Thời gian rượu và bia lưu lại trong cơ thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: đặc điểm cá nhân, mức độ và tốc độ uống của mỗi người. Tết là thời điểm người dân có xu hướng uống nhiều rượu, bia hơn. Điều này tạo ra nguy cơ lớn xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Về mặt lý thuyết, thời gian rượu, bia lưu lại trong cơ thể sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như đặc điểm cá nhân, mức độ và tốc độ uống của mỗi người. Một số xét nghiệm từng phát hiện rượu, bia có thể lưu lại trong cơ thể tới 24 giờ sau khi uống.

Trong một số trường hợp, nhiều người thường cảm thấy mình đã đủ tỉnh táo để lái xe sau khi sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên, nếu bị kiểm tra nồng độ cồn, những người này vẫn vượt quá quy định cho phép và vi phạm luật giao thông.

Theo BS Hoàng Hà Linh, Phòng khám Chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là chúng ta chưa đợi đủ lâu.


Đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông. (Ảnh: Thành Đông).

“Mọi người thường đánh giá sai mức độ say của chính mình và không nhận thức được rượu có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và phán đoán như thế nào”, vị chuyên gia nhận định.

BS Linh cho hay nồng độ cồn trong máu (BAC) giảm xuống khoảng 0,015% mỗi giờ. Điều này đúng với hầu hết trường hợp, bất kể cân nặng, chiều cao, tuổi tác hay những yếu tố khác. Hiểu đơn giản, đây là tốc độ cơ thể chúng ta có thể chuyển hóa chất cồn và loại bỏ nó ra khỏi các cơ quan.

Thời gian để rượu chuyển hóa hết

Theo BS Hoàng Hà Linh, cơ thể chúng ta chuyển hóa rượu với tốc độ không đổi, khoảng một ly mỗi giờ. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi phần nào dựa trên loại rượu, sức khỏe thể chất hoặc khuynh hướng di truyền của mỗi người.


Thời gian chuyển hóa cồn trung bình là một giờ cho mỗi ly. (Ảnh minh họa: verywellmind).

Nồng độ cồn trong máu đề cập đến lượng cồn trong máu so với lượng nước trong máu.

Khi uống rượu, chất này sẽ nhanh chóng được hấp thụ trong dạ dày và ruột non của chúng ta. Từ đó, chúng tiếp tục đi vào máu để đến gan. Tại đây, gan giải phóng các enzyme để phân hủy rượu.

Tuy nhiên, cơ quan này chỉ có thể chuyển hóa một lượng rượu nhất định tại một thời điểm, phần dư thừa sẽ lưu thông khắp cơ thể.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nồng độ cồn trong máu và tốc độ cơ thể đào thải, bao gồm:

“Mặc dù có rất nhiều yếu tố tác động, tỷ lệ trao đổi chất trung bình để loại bỏ rượu vẫn là khoảng một ly mỗi giờ”, BS Linh khẳng định.

Kiểm tra nồng độ cồn

Trên thực tế, có nhiều phương pháp để đánh giá nồng độ cồn trong cơ thể. Hai cách phổ biến nhất thường được áp dụng là xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra hơi thở.

Xét nghiệm nước tiểu: Đây là phương pháp có thể phát hiện rượu rất lâu sau khi chúng ta uống lần cuối. Thông qua xét nghiệm nước tiểu, các chuyên gia có thể kiểm tra dấu vết của chất chuyển hóa rượu.

“Xét nghiệm nước tiểu trung bình có thể phát hiện rượu trong vòng 12 giờ sau khi uống. Tuy nhiên, thử nghiệm tiên tiến hơn có thể đo nồng độ cồn trong nước tiểu lên tới 24 giờ sau khi uống”, BS Linh cho hay.

Kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở: Phương pháp phổ biến thường được lực lượng cảnh sát giao thông áp dụng. Kiểm tra qua hơi thở có thể phát hiện nồng độ cồn trong khoảng thời gian ngắn hơn, khoảng 4-6 giờ.


Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn bằng hơi thở thường được lực lượng cảnh sát giao thông sử dụng. (Ảnh: Thành Đông).

Một chiếc máy nhỏ gọi là máy phân tích hơi thở sẽ được sử dụng để đo nồng độ cồn của người được kiểm tra. Kết quả cho ra bất kỳ con số nào trên 0,02% đều được đánh giá là không an toàn vì lúc này, chúng ta sẽ bị cho là mất khả năng phán đoán và suy giảm chức năng thị giác.

Nhìn chung, tốc độ rượu có thể tồn tại trong cơ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là chúng ta cần sử dụng rượu ở mức an toàn.

Ngoài ra, BS Linh cũng khuyến cáo người dân nên nhờ sự giúp đỡ của người khác trong trường hợp không uống rượu tại nhà, có thể lựa chọn đi xe ôm, taxi, nhờ người thân đưa về.

“Ngay cả khi nồng độ cồn của chúng ta ở dưới mức giới hạn cho phép (0,02%), việc lái xe với bất kỳ lượng rượu bia nào cũng không bao giờ là an toàn, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất