Thói quen bắt mồi kỳ lạ của bạch tuộc

Nghiên cứu mới cho thấy bạch tuộc có thể kiểm soát để lựa chọn một xúc tu ưa thích chuyên để bắt một loại con mồi cụ thể.


Một khoảnh khắc tấn công con mồi của bạch tuộc. (Ảnh: Trường đại học Minnesota).

Với thí nghiệm trên bạch tuộc hai đốm California, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra phản ứng của động vật không xương sống này khi có cua và tôm thả vào bể của chúng. Những con bạch tuộc giấu mình trong các hang ổ, chỉ để một con mắt nhìn ra ngoài.

Hàng trăm clip cho thấy chúng liên tục sử dụng xúc tu thứ 2 tính từ giữa, phía có con mắt quan sát của chúng, để bắt mồi. Chỉ khi cần thiết, chúng mới dùng đến những xúc tu khác để hỗ trợ.

Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù cả 8 xúc tu đều có chung cấu trúc giải phẫu và được coi là giống nhau, nhưng việc sử dụng một xúc tu cụ thể cho một hành động cụ thể phản ánh sự thích nghi tiến hóa đặc biệt.

Cua và tôm có cách di chuyển và tốc độ di chuyển khác nhau khiến bạch tuộc phải sử dụng các cách tấn công khác nhau. Ví dụ: xúc tu thứ hai chuyển động như mèo vồ để bắt cua vì cua bò chậm hơn nhiều so với tôm nhảy.


Bạch tuộc dùng những xúc tu ưa thích để săn mồi

Đối với loài tôm nhanh nhẹn hơn, bạch tuộc bắt đầu cuộc săn mồi bằng xúc tu thứ hai nhưng chậm hơn, sau đó kết hợp với các chuyển động tinh vi để đánh lừa con mồi.

Bạch tuộc nổi tiếng với khả năng bắt chước trong quá trình kiếm ăn và nó đung đưa xúc tu gần con tôm để làm quen với chuyển động của râu ăng-ten và các lông cảm giác của tôm, nhờ đó làm giảm khả năng bật đuôi trốn thoát của con tôm. Sau khi xúc tu đó đã chặn được con tôm, những xúc tu bên cạnh (1 và 3) tham gia để giữ chặt con tôm lại.

Dường như thói quen sử dụng xúc tu thứ hai để tấn công con tôm có liên quan đến khả năng nhìn của bạch tuộc. Mỗi mắt của bạch tuộc chỉ chuyển động được rất hạn chế nhưng bao quát được 180 độ với giao điểm ảo bằng 0, kết hợp với đầu không chuyển động thì rất có thể bạch tuộc thích đặt mục tiêu ở giữa hơn là ở rìa của chúng.

Đơn giản hóa quá trình bắt mồi bằng cách sử dụng xúc tu thứ hai với sự hỗ trợ của các xúc tu khác khi cần, bạch tuộc có thể tối đa hóa cơ hội kiếm được thức ăn ngoài môi trường thiên nhiên.

Tới đây, các nhà sinh học sẽ phân tích cách thức hoạt động của nơ-ron thần kinh liên quan đến các chuyển động chính xác đó. Họ không tin rằng hệ thống thần kinh trung ương của bạch tuộc nhất thiết phải tham gia vào việc điều khiển các xúc tu khác để bắt mồi, mà đấy là một hành động phản xạ thì đúng hơn.

Theo họ, hiểu rõ hơn về hoạt động cơ học đằng sau sự phối hợp các xúc tu của bạch tuộc sẽ có ích trong việc phát triển các robot mềm, đặc biệt là những robot hoạt động dưới nước.

Nhà sinh vật học, tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Trevor Wardill ở Trường đại học Minnesota, Mỹ, nói: "Nếu chúng ta hiểu được cơ chế chuyển động của bạch tuộc, chúng ta có thể áp dụng điều đó để tạo ra các phương tiện di chuyển dưới nước hoặc các ứng dụng robot mềm".

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất