Thử nghiệm thành công gel tránh thai dành cho nam giới trên khỉ
Một loại gel tránh thai mới dành cho nam giới đã vừa được thử nghiệm thành công trên khỉ. Điều này hứa hẹn sẽ mở ra một bước tiến lớn để giúp nam giới có thể chia sẻ gánh nặng kiểm soát sinh đẻ với nữ giới.
Theo Sky News, loại gel tránh thai đang được thử nghiệm có tên là Vasalgel sẽ được tiêm vào ống dẫn tinh, bộ phận có nhiệm vụ dẫn tinh trùng tới niệu đạo. Tại đậy, Vasalgel sẽ lấp đầy ống dẫn tinh và ngăn chặn không cho tinh trùng thoát ra ngoài. Vasalgel được hứa hẹn có tiềm năng thay thế cho một phương pháp triệt sản nam phổ biến hiện nay là... thắt ống dẫn tinh.
Tuy nhiên, điểm khác biệt của Vasalgel là phương pháp này chỉ là "triệt sản tạm thời". Một nghiên cứu trên thỏ về tác dụng của gel Vasalgel vào năm ngoái cho thấy, loại gel này có thể dễ dàng bị loại bỏ bằng cách sử dụng dung dịch baking soda để rửa ống dẫn tinh.
Thử nghiệm lâm sàng của Vasalgel trên người sẽ được bắt đầu vào năm tới.
Trong cuộc thử nghiệm mới đây nhất được thực hiện bởi tổ chức phi lợi nhuận Parsemus Foundation ở California (Mỹ), các nhà nghiên cứu đã tiêm Vasalgel vào các con khỉ nâu đực trong một nhóm 16 con. Kết quả cho thấy đã không có trường hợp mang thai nào giữa các con khỉ trong nhóm này.
Thử nghiệm lâm sàng của Vasalgel trên người sẽ được bắt đầu vào năm tới. "Nếu không có tác dụng phụ, phương pháp này rất có thể trở thành một biện pháp tránh thai mới cho nam giới", Adam Balen, Chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát sinh đẻ Anh cho biết.
Tiến sĩ Catherine VandeVoort, tới từ Trung tâm nghiên cứu linh trưởng California nhận định: "Vasalgel có nhiều tiềm năng để thay thế cho phương pháp thắt ống dẫn tinh truyền thống. Quan trọng hơn, chúng tôi nhận thấy rằng Vasalgel an toàn và ít biến chứng hơn so với phương pháp thắt ống dẫn tinh. Mặc dù có thể nối lại nhưng thắt ống dẫn tinh thật sự là một kĩ thuật khó và bệnh nhân thường có tỉ lệ sinh thấp sau khi nối lại".
Ngoài ra, ông VandeVoort cũng cho biết thêm, có một con khỉ trong nhóm thử nghiệm đã bị u hạt tinh trùng, hiện tượng tinh trùng tích tụ cứng thành hạt trong ống dẫn tinh. Tuy nhiên, đây chỉ là một biến chứng không nguy hiểm và có thể gặp trên 60% người thắt ống dẫn tinh.
Bên cạnh đó, Allan Pacey, giáo sư tới từ Đại học Sheffied có tham gia vào thử nghiệm cho biết mặc dù ý tưởng dùng gel để thay thế phương pháp thắt ống dẫn tinh không phải là mới nhưng khẳng định là: "Chúng tôi đã không thấy nhiều tiến triển của ý tưởng này trong những năm gần đây. Vì vậy, nghiên cứu của chúng tôi là một bước tiến hữu ích để ý tưởng đi đúng hướng".